Đại tướng quân "hai lúa" Trần Quốc Hải mang cả ba chiếc máy bay trực thăng của mình đi chu du, triển lãm một vài nước trên thế giới, rồi bán được với mức giá khá cao. Sau đó ông dồn toàn bộ tiền về quê đầu tư mua đất, nghiên cứu chế tạo máy móc nông nghiệp phục vụ bà con.
Không ai nghĩ rằng trước khi chế tạo thành công máy bay trực thăng, ông Trần Quốc Hải lại là một nông dân ham học hỏi, tìm tòi sáng tạo và chế ra nhiều máy móc về nông nghiệp, giúp người dân thoát nghèo.
Điều đặc biệt, sản phẩm mà anh tạo ra đều được người dân đón nhận. Hơn nữa, nó còn giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, sức lực... mà vẫn có hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp.
Những chiếc máy phục vụ nhà nông
Nhận thấy người dân còn gặp khó khăn trong việc sản xuất nông nghiệp, sau nhiều lần suy nghĩ, ông Hải quyết tâm chế tạo nhiều thiết bị máy móc về nông nghiệp, giúp người dân thoát nghèo nhanh chóng. Cũng từ suy nghĩ đó, mà nhiều loại máy do ông tự chế như rơ moóc tự hành (có cả láp, thắng hơi, ben), giàn cày cải tiến (tăng công suất cao gần gấp đôi so với giàn cày cũ, nhưng tiết kiệm được 1/3 nhiên liệu), máy bơm xác mì từ hầm chứa lên xe tải..., hiện vẫn được nhiều nông dân ưa chuộng.
|
Công nhân đang miệt mài làm việc trong xưởng chế tạo máy của ông Hải (ảnh Đ.V). |
Năm 2007, ông Hải được bạn bè từ nhiều nơi, trong đó có cả một số nhà khoa học đến khuyên là nên tập trung vào chế tạo những thiết bị máy móc phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Nghe theo sự chỉ dẫn ấy, ông mang cả ba chiếc máy bay trực thăng của mình đi chu du, triển lãm một vài nước trên thế giới, rồi bán được với mức giá khá cao. Có tiền, ông bỏ toàn bộ số vốn đó mang về quê đầu tư mua đất và nghiên cứu chế tạo máy móc, phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp tại xã nhà.
Tháng 6/2008, chiếc máy thổi lá cao su do ông Hải và các cộng sự nghiên cứu đã được chế tạo thành công. Không cần nhiều người, chỉ với một công nhân điều khiển, trung bình mỗi ngày chiếc máy dọn dẹp được 25 ha cao su. Trong khi đó, nếu không có chiếc máy này, thì mỗi ngày, trong 8 tiếng, một công nhân chỉ quét được 0,5ha. Quả thật, điều này giúp ích rất nhiều cho người dân, vừa giảm thiểu chi phí lại tăng hiệu quả năng suất lên tới hàng chục lần. Sau nhiều năm nghiên cứu, đến nay chính bản thân ông cũng không thể nhớ hết mình đã sản xuất được bao nhiêu chiếc máy này cho các nông trường cao su, trong và ngoài tỉnh.
Cùng với sự ra đời của chiếc máy thổi lá cao su, đó chính là máy bón phân tự động do ông Hải chế tạo. Các loại phân bón sẽ được máy điều tiết theo tỷ lệ đã chọn để xuống ống dẫn, đưa ra luống cao su. Công suất bón phân của máy khoảng 25ha/ngày (8 giờ). Với chiếc máy này, giá bán ra Thị trường dao động khoảng hơn 100 triệu đồng. Cứ nghiên cứu chế tạo xong sản phẩm này, thấy có hiệu quả đạt năng suất cao là ông Hải lại chuyển sang làm thêm những sản phẩm mới hơn.
Máy giặt mủ là sản phẩm cơ giới thứ ba được ông Hải chế tạo nhằm phục vụ cho việc thu hoạch mủ cao su. Với chiếc máy này, người dân có thể làm sạch toàn bộ những tạp chất, rác, đất lẫn trong mủ cao su bị rơi xuống đất khi khai thác (còn gọi là mủ đất - PV). Năm 2008, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã cấp giấy chứng nhận Điển hình sáng tạo Việt Nam cho công trình nghiên cứu "Quy trình chăm sóc cao su tự động" do chính ông thực hiện. Hiện, chiếc máy giặt mủ cao su đã được tiêu thụ nhiều nơi trong cả nước và cả ở Campuchia. Giá thành của chiếc máy khoảng 40 triệu đồng.
Được biết, vào năm 2012, ông Trần Quốc Hải còn chế tạo thành công nhiều loại máy móc khác có chất lượng rất cao. Sản phẩm mới nhất của ông cho đến thời điểm này là chiếc máy trồng khoai mì (sắn - PV), giúp người dân tiết kiệm hơn được rất nhiều chi phí, thời gian, công sức, mà hiệu quả mang lại thì rất cao so với ban đầu. ông tự hào vì mình là một trong những người đi tiên phong, trong việc cơ giới hoá khâu trồng khoai mì ở Tây Ninh.
Ông Hải cho biết: "Cho đến nay, người dân Tây Ninh chủ yếu trồng khoai mì, phần lớn họ đều dựa vào sức lao động bằng chân tay là chính. Một ngày, khoảng gần 20 nhân công làm việc trong 8 giờ chỉ trồng được khoảng 1ha khoai mì. Nếu tính giá nhân công lao động chân tay hiện nay khoảng 120.000 đồng/người, thì 10ha khoai mì phải tốn chi phí nhân công trên 20 triệu đồng. Trong khi đó, với máy trồng khoai mì và 5 nhân công, mỗi ngày có thể trồng được 10ha, với chi phí nhân công và xăng dầu chỉ hết 1,5 triệu đồng".
Tiết kiệm chi phí và nhân công
Cho đến thời điểm này, ông Trần Quốc Hải đã tự chế tạo được ba chiếc máy trồng khoai mì và đưa vào thử nghiệm thành công trên nhiều lĩnh vực. Nhờ có chiếc máy này mà gia đình ông đến nay trồng được hơn 200ha khoai mì. Chỉ tính riêng khoản tiền tiết kiệm để thuê nhân công trồng khoai mì, ông đã nhanh chóng thu hồi lại đủ kinh phí để đầu tư cho việc làm máy. Có nhiều khách hàng ở xa đến yêu cầu ông sản xuất máy trồng khoai mì với số lượng lớn. Nhưng với khả năng một mình ông, thì chỉ sản xuất được từng chiếc nhỏ lẻ để phục vụ chogia đình và người dân địa phương sử dụng.
|
Chiếc máy trồng khoai mì đã được ông Hải chế tạo thành công (ảnh Đ.V). |
Những sản phẩm mà ông Hải chế tạo ra đều xuất phát từ nhu cầu thực tế của bà con nông dân địa phương. Nhiều máy móc ra đời từ sự đặt hàng của người dân như: Máy vận chuyển nông sản dưới ruộng lầy, giúp nông dân đỡ mất nhiều sức vác nặng (có giá 80 triệu đồng, chở được 1,5 tấn/lượt); máy phun thuốc khoai mì (25ha/ngày, giá 10 triệu đồng); máy làm cỏ, bón phân (khoảng 50 triệu đồng/chiếc, vừa làm cỏ, vừa bón phân, công suất 7ha/ngày); máy kéo hai cầu (tăng lực kéo, giảm nhiên liệu); máy phun thuốc cao su... Đặc biệt, ông đang đầu tư hơn 300 triệu đồng vào việc chế tạo máy thu hoạch mía, dự kiến trong thời gian tới, chiếc máy sẽ được đưa vào vận hành thử nghiệm.
"Hiện nay người dân trồng khoai mì, chủ yếu vẫn dựa vào sức người là chính, điều đó vừa mất nhiều thời gian sức lực mà không đạt hiệu quả kinh tế cao. Với số tiền công 120 ngàn đồng/ngày, thì 17 người mới trồng được 1ha khoai mì/ngày, tốn đến 2 triệu đồng/ha. Cái khó ở đây là việc tìm nhân công thì không hề dễ chút nào, vì đến mùa vụ có nhiều rẫy cần người làm cùng lúc cho xong thời vụ nên hay xảy ra tình trạng tranh giành nhân công. Có chiếc máy này người dân sẽ không phải thuê nhân công nhiều, chi phí cũng đỡ hơn, hiệu quả kinh tế mang lại gấp vài lần so với ban đầu", ông Hải cho biết.
Với chiếc máy trồng khoai mì do ông Trần Quốc Hải chế tạo, mỗi ngày chỉ với 5 nhân công là có thể trồng được 10ha - 13ha, mà chi phí nhân công và xăng dầu cộng lại vẫn chưa tới 2 triệu đồng. Ngoài máy trồng khoai mì, ông còn sản xuất thêm hàng loạt những chiếc máy khác như: Máy nhổ củ mì, máy làm cỏ, máy bón phân..., cơ giới hóa gần như toàn bộ quy trình trồng mì của người nông dân trong thời buổi hiện nay. Cứ vậy, khi có người đặt hàng là ông lại tìm tòi và cho ra đời một loại máy mới. Hiện xưởng máy của ông chỉ có 6 người, trong đó có ông và cậu con trai Trần Quốc Thắng, nhưng đã chế tạo tới cả hàng trăm máy phục vụ sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân.
Trên cả sự tuyệt vời! Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch hội Nông dân UBND xã Suối Dây cho biết: "Mấy năm trước ông Hải có chế tạo máy bay và được rất nhiều người ngưỡng mộ. Sau đó, nhận thấy bà con nông dân còn gặp nhiều khó khăn, ông quyết định thay đổi ý tưởng chuyển sang chế tạo máy nông nghiệp, giúp nông dân thoát nghèo. Vì không muốn bị mai một nên ông Hải đã mang kinh nghiệm của mình truyền lại cho nhiều kỹ sư khác để họ hiểu biết sâu hơn. Hiện, con trai đầu của ông Hải là Trần Quốc Thắng, năm nay 26 tuổi cũng đang theo sự nghiệp của cha. Có thể nói, việc làm của ông Hải là trên cả tuyệt vời, ít ai có thể làm được". |
Đức Vượng