“Việc lãnh đạo UBND các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM không bố trí lịch tiếp dân hoặc bố trí lịch tiếp dân một cách chung chung, là không đúng với quy định”.
Đó là khẳng định của ông Cao Thanh Bình, Trưởng phòng Dân nguyện, Văn phòng đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân TP.HCM với PV báo Người Đưa Tin.
Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận về việc tiếp công dân của một số lãnh đạo UBND quận, huyện trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, nhiều đơn vị có số ngày tiếp công dân thấp hơn so với quy định. Đồng thời Thanh tra Chính phủ cũng đã kiến nghị Thủ tướng giao Chủ tịch UBND TP.HCM kiểm điểm và có biện pháp xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với chủ tịch một số UBND quận, huyện.
Ông Cao Thanh Bình: "Bố trí lịch tiếp dân chung chung, không ghi cụ thể vị lãnh đạo là trái quy định". |
Tin tức ghi nhận được sau nhiều ngày PV có mặt tại phòng tiếp dân của UBND một số quận như: UBND quận 2, UBND quận 7, UBND quận Tân Bình, UBND quận Tân Phú, UBND quận Bình Tân…hầu hết những nơi này không bố trí lịch lãnh đạo tiếp công dân hoặc có dán lịch nhưng lại không có lãnh đạo tiếp dân.
Thưa ông, trước thực trạng Chủ tịch một số quận huyện của TP.HCM "trốn" tiếp dân, ông nói gì về điều này?
Quá trình tiếp dân của một số quận huyện trên địa bàn TP.HCM chưa thực sự hiệu quả và rõ ràng. Lãnh đạo của các UBND quận, huyện phải lên lịch cụ thể, đích danh chủ tịch UBND chịu trách nhiệm tiếp dân. Tuy nhiên khi có công tác đột xuất thì ủy quyền lại cho phó chủ tịch hoặc người có thẩm quyền giải quyết để tiếp dân mà không kịp thời thông báo cho dân biết theo luật định.
Nhưng hiện nay, một số nơi không bố trí lịch hoặc bố trí lịch tiếp dân chung chung, không ghi cụ thể vị lãnh đạo nào sẽ trực tiếp gặp dân. Điều này là trái với quy định của luật tiếp công dân.
Bên cạnh đó, có những trường hợp lãnh đạo UBND thành phố có văn bản chỉ đạo các sở ban ngành, địa phương báo cáo vụ việc cụ thể để lãnh đạo thành phố tiếp dân và giải quyết khiếu nại, thì một số đơn vị chậm trả lời. Có trường hợp lãnh đạo thành phố có nhiều văn bản nhắc nhở nhưng vẫn không trả lời cụ thể, từ đó làm ảnh hưởng đến thời gian và quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của người dân, dẫn đến không đảm bảo theo luật khiếu nại, luật tố cáo.
Cụ thể, việc làm trái quy định của các lãnh đạo như thế nào?
Theo quy định lịch tiếp công dân: Chủ tịch UBND Thành phố một tháng 1 ngày, Chủ tịch UBND các quận huyện: 1 tháng ít nhất 2 ngày; đối với Chủ tịch UBND phường xã, thị trấn: 1 tuần ít nhất 1 ngày; Các sở ban ngành: 1 tháng ít nhất 1 ngày,
Đồng thời trong lịch tiếp công dân phải ghi cụ thể tiếp vào ngày nào, giờ nào và ai là người trực tiếp tiếp công dân. Rõ ràng, một tháng anh chỉ có lịch tiếp dân 1 ngày là không đúng, chưa kể anh lại bận có xếp lịch nhưng lại không tiếp dân.
Theo ông, việc rất nhiều quận, huyện yêu cầu người dân phải làm đơn mới được gặp lãnh đạo thì có hợp lý không?
Theo quy định về lịch tiếp công dân thì khi đã bố trí lịch thì người dân đến là lãnh đạo phải tiếp. Tuy nhiên cũng phải hiểu, tiếp là để giải quyết vụ việc rõ ràng, còn tiếp để ghi nhận vụ việc thì ai cũng có thể tiếp được.
Khi người dân đến nộp đơn kèm hồ sơ vụ việc để xin gặp lãnh đạo thì bộ phân tiếp dân sẽ nghiên cứu hồ sơ rồi báo lại cho lãnh đạo. Sau khi lãnh đạo nghiên cứu, cơ bản đã nắm rõ thông tin thì lúc đó lãnh đạo vừa tiếp, vừa giải quyết vụ việc, có thể là ở góc độ nào đó giải thích cho người dân.
Có những trường hợp dân đến gặp lãnh đạo nhưng lãnh đạo không tiếp vì vụ việc đó không có tình tiết mới hoặc đã có hướng dẫn cụ thể cho người dân liên hệ với các sở ban ngành khác thì lãnh đạo cũng phải giải thích rõ ràng cho người dân cùng hiểu.
Theo ông, để việc tiếp dân, lắng nghe kiến nghị của nhân dân được thực hiện nghiêm túc vậy những lãnh đạo cố tình "né" tiếp dân phải xử lý như thế nào?
Tôi cho rằng lãnh đạo cấp trên phải quyết liệt, mạnh dạn xử lý các trường hợp chậm trả lời. Vì luật khiếu nại đã quy định rõ, từ khi anh thụ lý hồ sơ đó bao nhiêu ngày giải quyết xong đối với hồ sơ phức tạp và hồ sơ đơn giản.
Hiện nay các đơn vị, địa phương cần linh hoạt hơn trong việc xây dựng quy chế riêng cho đơn vị trong vấn đề giải quyết đơn thư khiếu nại .
Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể về việc xử lý đơn phản ánh kiến nghị, cần nêu rõ thời gian xử lý là bao lâu để người dân chủ động nắm bắt.
Y Nhụy