Nhiều người dân sống gần bãi rác Đèo Sen cho biết, sợ ruồi nhặng từ các bể xử lý rác đậu vào thức ăn, truyền dịch bệnh nên nhiều hôm họ phải đóng cửa, ngồi ăn trong màn.
Tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh nhận được đơn kêu cứu, phản ảnh của 185 hộ dân tại khu 3, khu 4 phường Hà Khánh, thành phố Hạ Long về việc môi trường sống của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do ô nhiễm nước thải, không khí của của bãi rác Đèo Sen (thuộc sự quản lý của Công ty CP Môi trường Hạ Long).
Đèo Sen là bãi xử lý rác của thành phố Hạ Long được đầu tư với việc xây dựng các bể chứa, có hệ thống thoát nước thải, khí thải... Tuy nhiên, thời gian qua việc chôn lấp là chủ yếu nên rác thải tại đây vẫn gây ô nhiễm, nước rỉ rác từ bãi rác qua các kênh hở gây ô nhiễm môi trường.
Theo quy định với những bãi rác có công suất 20.000 đến 50.000 tấn/năm như bãi rác Đèo Sen thì khoảng cách đến khu dân cư phải từ 3 - 5km. Tuy nhiên trên thực tế, khoảng cách từ bãi rác Đèo Sen đến khu dân cư xung quanh chỉ vài trăm mét.
Được biết, từ năm 2009 đến nay, những người dân sống quanh khu vực bãi rác đã nhiều lần kiến nghị đến cơ quan các cấp. Các cuộc họp với Công ty Môi trường và Đô thị TP Hạ Long cũng đã được tổ chức nhưng đến nay bãi rác vẫn tồn tại và ngày càng quá tải.
Trao đổi với PV, anh Lâm Tặng (tổ 20 khu 3, phường Hà Khánh, thành Phố Hạ Long) cho biết, càng ngày rác càng nhiều nên mùi hôi thối càng nồng nặc.
"Mấy cái bể xử lý nước rỉ rác từ lâu đã không kịp xử lý hết, bị xuống cấp từ nhiều năm nay và không kịp đáp ứng vấn đề về chất lượng nước để thoát ra môi trường. Vậy mà bên Công ty môi trường Hạ Long vẫn để tình trạng như vậy diễn ra làm ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân khu xung quanh đấy và các vùng lân cận", anh Tăng phản ánh.
Đóng cửa, ngồi trong màn ăn cơm
Máy sục bọt khí tại bể xử lý nước rỉ rác. |
Theo phản ảnh của người dân, vào những ngày nắng, mỗi khi máy sục bọt khí tại bể xử lý nước rỉ rác làm việc, các bọt khí theo chiều gió sẽ bay hết vào nhà dân, bám vào đồ dùng sinh hoạt, bể nước ăn. Những ngày mưa lớn thì tình trạng sẽ tồi tệ hơn khi mực nước trong bể tăng, làm nước thải chảy thẳng vào nhà dân lân cận, gây ô nhiễm khiến người dân khốn khổ.
Khoảng 8 năm trở lại đây, giếng khoan cũng không còn sử dụng được vì nước xuất hiện mùi hôi thối, màu nước vẩn đục khi múc lên. Ngay cả việc dùng nước này để tưới rau người dân cũng không yên tâm vì sợ ám độc hại.
Đến những sinh hoạt hàng ngày rất đỗi bình thường với mọi người như việc ăn cơm thì bữa cơm của những người dân ở đây diễn ra không được bình thường. Khi bữa nào bữa nấy họ cũng phải đóng cửa kín mít vì mùi hôi thối lúc nào cũng vất vưởng quanh nơi ở của họ. Nhiều hôm phải ngồi trong màn ăn cơm vì sợ ruồi nhặng từ các bể xử lý bay vào mâm cơm, truyền dịch bệnh cho người ăn.
Cá chết, người nhiễm bệnh
Các hộ dân sống trong vùng cũng cho biết, vì phải sống trong môi trường ô nhiễm quá lâu nên gia đình nào cũng có người mắc bệnh về đường hô hấp như hen suyễn, viêm phế quản cấp, viêm phổi,... Mùa mưa thì mắc thêm 1 số bệnh da liễu như ghẻ, nước ăn chân.
Cống nước thải đen ngòm, bốc mùi hôi thối xả thẳng ra môi trường |
Không chỉ ảnh hưởng từ mùi, bọt khí sục rác, theo người dân phản ánh, nước rỉ rác sau khi được xử lý qua loa tại các bể lắng, qua các đường cống thì chảy thẳng ra moong nước Thành Công (mỏ than Thành Công cũ) và từ moong này chảy ra cống Hai Cô khiến các moong trong khu vực bị ô nhiễm nặng.
Bác Nguyễn Hồng Đê (tổ 21 khu 3 phường Hà Khánh) cho biết: "ngày trước chúng tôi còn hay đánh bắt cá ở moong Thành Công, ngày nào nóng bọn trẻ con còn nhảy xuống đấy tắm. Nhưng từ khi rác nhiều, mấy cái bể không xử lý được hết chỗ nước rỉ rác thì cá trong moong bắt đầu chết hàng loạt, nước moong đen xì, bốc mùi thối lắm nên trẻ con cũng không tắm được nữa".
UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo xử lý đơn khiếu nại của 185 hộ dân |
Ngày 26/7 vừa rồi, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản gửi thành phố Hạ Long chỉ đạo giải quyết đơn kiến nghị của 185 hộ dân khu 3 và khu 4 phường Hà Khánh. Tại văn bản chỉ đạo cũng đã đề nghị có kế hoạch di dời bãi rác và xử lý ô nhiễm không khí, nguồn nước tại đây đảm bảo cuộc sống cho người dân.
Chúng tôi sẽ tiếp tục liên hệ với cơ quan chức năng để ghi nhận ý kiến phản hồi.
Thu Hoài