Đấu giá những biển số ô tô, xe máy được quan niệm là đẹp không chỉ mang lại một số tiền không nhỏ cho ngân sách Nhà nước mà còn hạn chế được tiêu cực, tình trạng “xin – cho” trong công tác đăng ký phương tiện.
Lợi ích là thế nhưng kể từ khi Chính phủ có chủ trương đến nay đã nhiều năm nhưng vẫn chưa được các cơ quan có thẩm quyền triển khai đồng bộ trên phạm vi cả nước. Nguyên nhân do đâu?
Biển đẹp đã được cấp đúng quy định?
Cách đây ít ngày cư dân mạng “dậy sóng” khi đoán già đoán non về việc chiếc ô tô xịn mang thương hiệu Range Rover được gắn BKS ngũ quý 37A -888.88. Nhiều độc giả cho rằng, BKS cực đẹp này phải được chủ xe chi một khoản tiền rất lớn. Cũng có bạn đọc lại cho rằng, để sở hữu biển số “ngũ phát” này ngoài tiền phải có quan hệ… khủng. Và sự đồn đoán còn “nóng” hơn, nhiều hơn khi có nguồn tin cho rằng, chiếc ô tô BKS này là của một lãnh đạo Cty TNHH Lương thực miền Trung…
Sau khi báo chí đưa tin, CA tỉnh Nghệ An, đơn vị cấp và quản lý hồ sơ chiếc Range Rover BKS “ngũ phát” phủ nhận thông tin chủ nhân chiếc Range Rover trên phải bỏ ra một khoản tiền “khủng” để mua BKS này. Ngày 21-4, Thượng tá Cao Minh Phượng, Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt CA tỉnh Nghệ An cho biết, chiếc BKS gắn trên là biển thật và được Phòng CSGT, CA tỉnh Nghệ An cấp cho chiếc Range Rover thuộc sở hữu của Cty TNHH Lương thực miền Trung có trụ sở tại số 128, đường Nguyễn Phong Sắc, phường Hưng Dũng, TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Thượng tá Phượng khẳng định: “Quy trình cấp BKS nêu trên hoàn toàn đúng theo quy định, không có gì bất thường. Chủ sở hữu nộp hồ sơ, thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính sau đó bấm số ngẫu nhiên và cho ra chiếc biển này”.
Vị Trưởng phòng CSGT này cũng phủ nhận thông tin cho rằng BKS này được chủ nhân mua qua hình thức đấu giá. Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Kiên, đại diện Cty TNHH Lương thực miền Trung cho biết, BKS gắn trên phương tiện này không có gì đặc biệt. Ông Kiên nói: “Theo tôi, chiếc xe đó bình thường, chạy cũng bình thường lắm… Biển số đó cũng bình thường, là công cụ để lực lượng chức năng quản lý phương tiện mà thôi. Tôi thấy cũng chẳng có gì gọi là đẹp…”?! Trước ý kiến của ông Kiên, nhiều bạn đọc rất ngạc nhiên.
Bạn Nguyễn Tuấn Anh, ở Thanh Xuân Bắc bày tỏ: “Hình như ông Kiên đang nói đùa. Ở Việt Nam mấy ai không biết đánh giá thế nào là ô tô đẹp, thế nào là BKS đẹp. Biển không đẹp liệu ông Kiên có bán con Range Rover cũ này với giá bằng tiền xe mới không, tôi mua…”.
Dư luận đặt câu hỏi, tại sao toàn chủ xe đẹp bấm được BKS đẹp một cách… ngẫu nhiên. Trước đó, trên nhiều trang mạng đã đăng tải rất nhiều xe siêu sang, xe sang mang các thương hiệu Phantom, Audi, Lexus, Mercedes mang BKS có các số đuôi là 7777, 8888, 9999, 6666 hoặc 6868, 8989… Hầu hết những chiếc xe xịn này đều thuộc sở hữu của các đại gia nổi tiếng ở nhiều tỉnh thành. Trên thực tế, những chiếc ô tô được quan niệm là “xấu”, trị giá một vài trăm triệu đồng lại rất ít khi “ngẫu nhiên” bấm được những BKS đẹp, tương tự những BKS kể trên?!
|
Nhiều xe xịn “ngẫu nhiên” bấm được BKS khủng. Ảnh: M. Tuấn |
Chủ trương có từ lâu…
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, ở những nước thuộc châu Á, đặc biệt là Việt Nam, Trung Quốc tư tưởng chuộng số đẹp, như số ĐT đẹp, số nhà đẹp, BKS đẹp là rất phổ biến. Những người giàu có có thể bỏ ra hàng trăm nghìn đồng, thậm chí hàng tỷ đồng để sở hữu một số ĐT hoặc một BKS được cho là đẹp. Trên thị trường sim ĐTDĐ đã có không ít người bỏ cả tỷ đồng để mua những số ĐT ngũ quý (66666, 88888, 99999…) hoặc lục quý (666666, 888888, 999999). Một “cò” chuyên làm dịch vụ đăng ký ô tô ở Hà Nội cho biết: “Nhiều người đi ô tô tiền tỷ nhờ tôi tìm “cửa” để lấy BKS tứ quý, ngũ quý nhưng khoảng 2 năm nay loại cò “tép riu” như tôi không thể làm. Nếu như ở thời kỳ mới cho đăng ký biển 5 số thì lấy BKS đẹp dễ lắm, cứ có tiền là gần như mua được nhưng từ đầu năm 2012 đến gần cuối năm 2013 thì không thể. Cuối năm ngoái tôi thấy cũng có người đã bắt đầu dùng “quan hệ” để lấy được BKS đẹp…”.
Ông Trần Thế Quân, Vụ phó Vụ Pháp chế, Bộ Công an cho biết, việc cấp biển số xe đang tiến tới thực hiện hoàn toàn tự động trên phần mềm vi tính nên rất khó để chọn lọc ra những biển số được cho là đẹp để bán đấu giá. |
Cuối năm 2011, dự thảo Thông tư liên tịch về hướng dẫn bán đấu giá biển số đẹp đã được 3 Bộ trên đưa ra lấy ý kiến dư luận. Trong đó đã nêu ra khá chi tiết những quan điểm về biển số đẹp như: “tứ quý” (1111, 5555, 9999…); “lộc phát” (6868, 8686); lặp đôi (3636, 4455, 6688); “thẳng tiến” (12345, 56789)... và cách thức, chi phí tổ chức đấu giá. Tuy nhiên, đến nay kế hoạch này vẫn nằm trên… giấy.
Trước đó, trong 2 tháng 4 và 5-2008, hai phiên đấu giá đã được tổ chức tại Đài Truyền hình tỉnh Nghệ An và trụ sở Phòng CSGT CA tỉnh. Với 19 biển ôtô và 4 biển số môtô được đưa ra đấu giá đã thu về 2.568.300.000 đồng. Tiền thu về từ định giá biển số 198 ôtô được 1.134.000.000 đồng, 257 môtô bằng 356 triệu đồng. Tổng cộng số tiền thu về qua đấu giá và định giá là 4.058.300.000 đồng. Việc tổ chức công khai đấu giá biển số xe đẹp đã được nhân dân đồng tình ủng hộ, đồng thời khuyến khích các tấm lòng tương thân, tương ái của các doanh nghiệp, doanh nhân, những người có điều kiện về tài chính đấu giá mua BKS đẹp để giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.
Nói về việc đề án bán đấu giá BKS đẹp chưa thể tiến hành, một lãnh đạo Vụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp cho biết, sau khi không thống nhất được quan điểm, Bộ Tài chính và Bộ Công an đã có văn bản báo cáo Thủ tướng xin nghiên cứu sau. Khúc mắc lớn nhất là việc các bên đứng trên quan điểm quản lý Nhà nước của mình đã không thể đi tới thống nhất về việc có nên coi biển số xe là một tài sản hay không. Nếu đó là tài sản thì người trúng đấu giá phải được di chuyển biển số từ xe này sang xe khác chứ không thể bắt buộc gắn vào vòng đời của một phương tiện ô tô, xe máy…
|
BKS cực đẹp khiến nhiều người bàn tán. |
Thay lời kết
Luật sư Vũ Lợi, GĐ Cty Luật Hòa Lợi nhận định, rất nhiều nước trên thế giới coi BKS xe đẹp là một nguồn tài nguyên phải khai thác có hiệu quả. Không ít người dân có tiền, có nhu cầu sở hữu xe đẹp kèm theo biển số đẹp. Tiền thu được từ việc đấu giá bán biển số đẹp không nhỏ chút nào, nó giúp ngân sách Nhà nước có thêm một khoản tiền để làm công tác xã hội. Không hiểu sao việc xây dựng Thông tư hướng dẫn bán đấu giá biển số đẹp lại trở nên khó khăn như vậy?
Về quan điểm cho rằng, BKS không phải là tài sản nên không bán đấu giá được, ông Lợi cho rằng: “Không nên quan niệm quá chi tiết như vậy.
Người dân có nhu cầu mua thì Nhà nước bán để lấy tiền phục vụ các lợi ích công cộng. Việc người đã mua BKS đẹp đó có được tiếp tục sử dụng khi bán xe, thay xe mới hay không cũng không quan trọng vì người mua đấu giá phải chấp nhận các điều kiện do pháp luật quy định khi tham gia đấu giá”. Ông Nguyễn Tuấn Hải, kinh doanh ô tô nhiều năm ở Hà Nội cho biết, đấu giá BKS số đẹp là rất cần thiết vì ngoài việc mang tiền về cho ngân sách Nhà nước còn xua tan mối hoài nghi của dư luận về tiêu cực trong việc cấp BKS số đẹp.
Để quản lý nguồn tài nguyên lớn này, tháng 11-2009, Thủ tướng Chính phủ đã giao các Bộ Tài chính, Công an, Tư pháp nghiên cứu, ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn về việc bán đấu giá quyền sử dụng biển số xe ô tô, xe mô-tô, xe gắn máy. Theo Công văn 2067/TTg-KTTH, Thủ tướng lưu ý, tiền thu từ bán đấu giá quyền sử dụng biển số xe ô tô, xe mô-tô, xe gắn máy (sau khi trừ chi phí tổ chức bán đấu giá) được nộp vào ngân sách Nhà nước (ngân sách địa phương hưởng 100%) và quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật. |