Tại hố khảo cố cuối cùng tại khu vực tìm kiếm mộ vua Quang Trung, các chuyên gia đã phát hiện dấu vết nghi móng tường thành xưa.
Theo tin tức được báo Dân Trí đăng tải, vào chiều ngày 10/10, đoàn khảo cố học đã tiến hành thám sát tại hố thứ 5- hố khảo cổ cuối cùng trong khu vực tìm kiếm lăng mộ vua Quang Trung. Hố thứ 5 này được đào tại số nhà 13/120 Điện Biên Phủ (P.Trường An, TP Huế).
Khi vừa đào đến độ sâu 0,2m, các chuyên gia đã phát hiện một lớp đá. Sau khi được đào rộng ra phát hiện các tảng đá được sắp ngay ngắn theo hàng thành đường chữ L.
Trả lời PV báo Dân Trí, PGS.TS Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho biết, bước đầu nghi lớp đá này là tường móng của bức thành cổ.
Dấu vết nghi móng tường thành tại nơi tìm kiếm mộ vua Quang Trung. Ảnh báo Dân Trí |
Theo Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, ngôi nhà số 13/120 Điện Biên Phủ nguyên là một trong những ngôi nhà đầu tiên ở vùng gò Dương Xuân. Chủ nhân thời đó là bà Lê Thị Rô từng khẳng định, bờ tường sát hố khảo cổ thứ 5 là “bà đã thấy nguyên bộ móng bức tường cổ xây dựng giống như vôi vữa các mộ Tàu ngày xưa dưới bức tường này”.
Trước đó báo Người Lao Động đưa tin, vào ngày 9/10, các chuyên gia Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế thám sát tại 3 hỗ đào ở nhà người dân, chùa Vạn Phước ở phường Trường An, TP Huế- nơi nghi ngờ có dấu vết cung điện Đan Dương, lăng mộ vua Quang Trung.
Tại hố khảo cổ tại gia đình ông Nguyễn Hữu Oánh, đoàn thám sát đã đào được một lớp đất lạ có dấu hiệu khác với các tầng đất khác, nằm ở độ sâu khoảng 0,5m. Các chuyên gia cho rằng, đây là một lớp sỏi đằm trộn cát khác với lớp đất bình thường bên cạnh nghi là liên quan đến một công trình kiến trúc.
H.Yên (tổng hợp)