"Liên quan tới nội dung phải chủ động từ chức nếu không đảm bảo uy tín, năng lực, đây là điểm mới. Nếu anh soi lại bản thân không có đủ năng lực, là người đứng đầu cũng nên có văn hóa từ chức".
Tuổi trẻ đưa tin, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban chấp hành Trung ương. Trong số các nội dung phải gương mẫu đi đầu thực hiện, các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ.
Bên lề hành lang Quốc hội, các ĐBQH đã chia sẻ quan điểm, suy nghĩ về quy định này.
ĐHQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội): Đề xuất có Luật Từ chức
Mục 8, điều 2 quy định rất rõ nếu cán bộ, đảng viên không đủ uy tín thì từ chức. Đó là rất hay, rất tuyệt vời.
ĐHQH Nguyễn Anh Trí |
Nhưng nên bình tĩnh nhìn lại. Câu chuyện từ chức ở Việt Nam nói vài chục năm rồi, cứ nói, cứ nói, có lúc rộ lên nhưng rồi không ai quan tâm. Chúng ta đề cập văn hóa từ chức nhưng điều này ở Việt Nam là chưa thể có được. Vì, đặc điểm của người Việt Nam là duy tình hơn duy lý. Điều này ai cũng thừa nhận.
Khi có quyền lực rất dễ bị tha hóa. Không dễ gì mà họ từ chức, không thể tự nhiên có được văn hóa từ chức. Vì vậy, cần có Luật từ chức. Dựa trên luật, người ta phải buộc từ chức. Rồi sau thấm dần, lúc đó mới có văn hóa từ chức. Bản chất của nó là xuất hiện theo luật.
Ở Việt Nam từ trước đến nay, trong dư luận, xã hội, gia đình thì từ chức ngang với cách chức. Họ coi từ chức là một dạng của cách chức. Đó là một cái sai nhưng không dễ gì sửa được.
Từ chức có rất nhiều lý do để từ chức như làm sai, kém năng lực, không được tín nhiệm, sức khỏe yếu… Thậm chí ê kíp làm việc không thuận cũng có thể từ chức. Điều này là rất lịch sự.
Năm 1993, tôi ở bên Nhật. Trong một năm, 3 thủ tướng từ chức. Họ lên 3 tháng thấy không làm được họ từ chức. Người đó vẫn tiếp tục hoạt động chính trị chứ không phải là từ chức là cách chức, là mất luôn.
Nếu từ chức vẫn bảo tồn cho họ các giá trị và để khi có cơ hội, người ta có thể thể xuất hiện trở lại trên chính trường. Vì thế, chúng ta nên xem việc từ chức trên bình diện nhiều khía cạnh. Lúc đó, việc từ chức sẽ nhẹ nhàng, văn hóa từ chức sẽ ra đời. Tôi đề nghị nên xây dựng Luật từ chức
ĐBQH Lê Công Nhường (Bình Định): Nếu soi bản thân không có năng lực, hãy từ chức
Chia sẻ trên báo Phụ nữ TP.HCM, Đại biểu Lê Công Nhường cho hay: Tổng Bí thư ban hành chỉ thị nêu gương là việc làm cần thiết. Ông cha có câu 'thượng bất chính, hạ tắc loạn". Cho nên tất cả các khâu thì cấp trên phải nêu gương trước. Tổng Bí thư vừa yêu cầu cấp trên nêu gương trước từ bộ chính trị, Ban bí thư, Trung ương đảng phải nêu gương trước từ trong cuộc sống đến công việc. Tôi hoàn toàn tán thành chỉ thị này.
Đại biểu Quốc hội Lê Công Nhường - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định |
Liên quan tới nội dung phải chủ động từ chức nếu không đảm bảo uy tín, năng lực, đây là điểm mới. Nếu anh soi lại bản thân không có đủ năng lực, là người đứng đầu cũng nên có văn hóa từ chức. Giống như một số nước, khi thấy không đủ năng lực lãnh đạo điều hành thì họ từ chức để nhường cho người khác.
Khi ban thành quy định này Bộ chính trị sẽ có biện pháp giám sát, mà giám sát cao nhất là của nhân dân, thông qua Mặt trận Tổ quốc, qua phản ánh của tri về lối sống, điều hành của lãnh đạo.
Trang Vũ (tổng hợp)