Liên quan đến đề án cải tiến chữ viết tiếng Việt của tác giả Bùi Hiền, Tiến sĩ Đoàn Hương cho rằng, tâm lý của người dân nói chung là thà chấp nhận, làm quen với những bất hợp lý của kiểu chữ cũ, còn hơn là mất thời gian đi học lại chữ mới.
Nên việc đưa công trình của PGS.TS Bùi Hiền vào thực tế không đơn giản.
Trò chuyện trong chương trình Cafe sáng phát sóng trên VTV 3 sáng 28/11, Tiến sĩ văn học Đoàn Hương đã có những chia sẻ về đề án cải tiến chữ quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền - nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên phó Viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy - học phổ thông.
Một số đề xuất thay đổi về tiếng Việt trong cuốn sách của tác giả Bùi Hiền. Ảnh: B.Hà |
TS Hương cho rằng đề án cải tiến chữ viết thành "záo zụk", "Tiếq Việt" khó khả thi, dù đề xuất mang ý nghĩa rất lớn đối với ngôn ngữ tiếng Việt. Vì ngôn ngữ là quy ước được xã hội thừa nhận, muốn áp dụng thì phải trên tinh thần tự nguyện của người dân. Nếu người dân không chấp nhận thì rất khó thực hiện.
"Tôi đánh giá cao tinh thần nghiên cứu khoa học của PGS-TS Bùi Hiền, nhưng cần phải có ý kiến của Hội đồng khoa học về công trình này. Nếu công trình trở thành quy ước, chắc tôi cũng phải đi học lại lớp 1. Bởi đó là bảng ngôn ngữ hoàn toàn mới và tôi đọc cũng không hiểu gì”, TS Đoàn Hương chia sẻ.
Theo TS Hương, đây cũng là suy nghĩ của rất nhiều người dân trước đề xuất cải tiến chữ viết. Hơn nữa, tâm lý của người dân nói chung là thà chấp nhận, làm quen với những bất hợp lý của kiểu chữ cũ, còn hơn là mất thời gian đi học lại chữ mới. Nên việc đưa công trình của PGS.TS Bùi Hiền vào thực tế không đơn giản.
TS Hương cũng bày tỏ sự quan ngại, lên án việc "ném đá hội đồng" đối với một ý tưởng mới.
"Với những ý tưởng mới như của thầy Bùi Hiền, chúng ta nên tôn trọng sự sáng tạo của ông, còn đánh giá thế nào là của Hội đồng khoa học chuyên môn. Những sự phản ứng vừa rồi của dư luận là thể hiện sự chưa văn hóa. Nếu bất cứ ý tưởng mới nào vừa ra đời cũng bị ném đá như vậy thì xã hội không thể phát triển được”, TS Đoàn Hương nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với Tiến sĩ Đoàn Hương, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân (GS.TS.NGND) Nguyễn Lân Dũng cũng thẳng thắn cho rằng, khó có thể thực hiện một đề án có quá nhiều hệ lụy như đề án cải cách tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền.
Theo "GS biết tuốt", giả sử việc cải tiến tiếng Việt của ông Bùi Hiền thành hiện thực thì cả một hệ thống Hiến pháp, sách giáo khoa, tài liệu công dân ở các cơ quan chức năng đều phải được tiến hành in lại. Kể cả đồng tiền quốc gia cũng phải được in và phát hành lại.
Bản thân mỗi công dân Việt Nam cũng phải học lại từ đầu để nắm cấu trúc của chữ quốc ngữ mới. "Chỉ phân tích đơn giản thế thôi đã thấy đề án này phi thực tế”, GS Lân Dũng nhấn mạnh.
Dù không được số đông ủng hộ, thậm chí "ném đá" ý tưởng sáng tạo kiểu chữ mới của mình, nhưng PGS.TS Bùi Hiền vẫn bảo vệ quan điểm của mình. Theo PGS Hiền, nếu gạt bỏ những tập quán cũ đi mà nhìn vào hiện tại, tương lai thì tính khả thi của đề án này theo tôi đánh giá là rất lớn.
PGS Hiền cho rằng: "Về mặt mỹ học, nhìn chữ cải tiến so với chữ cũ thì dễ gây phản ứng khó chịu. Nhưng nếu thử cho học sinh chưa biết chữ, hoặc bắt đầu vào lớp 1 học. Một lớp học theo chữ mới, một lớp học theo chữ hiện hành thì chắc chắn các cháu học chữ mới sẽ nhanh hơn. Bởi người học sẽ không cần phải phân biệt “ch” với “tr”, hay “r” với “gi” và “d”…”.
Dù vậy, ông Hiền cũng thừa nhận, việc cải tiến có những sự phức tạp và cần nhiều thời gian. Vì nếu thay đổi sẽ phải thay đổi từ nhận thức, cách học, cách dạy, thay đổi sách giáo khoa, các văn bản, sách báo, cả lập trình chữ viết trên máy tính…
“Nhưng nếu quyết tâm thì vẫn có thể làm được, chỉ mất khoảng 1-2 năm sẽ quen dần”, PGS-TS Bùi Hiền nói thêm.
Nhận định về tính khả thi của đề xuất, PGS Hiền cho rằng, công trình nghiên cứu của ông dù bị "ném đá" nhưng cũng không mất đi đâu, sau này 10 năm, 100 năm sau biết đâu có người lục lại, người ta sẽ dùng, chứ ông không nghĩ nếu người ta không dùng ông sẽ buồn.
Đức Hòa (tổng hợp)