Sau khi các vụ gian lận điểm thi THPT năm 2018 bị phanh phui, nhiều Sở GD&ĐT đề xuất tách riêng phiếu trả lời trắc nghiệm mỗi môn thi trong bài thi tổ hợp; đồng thời có phách và mã hóa bảo mật thông tin và kết quả của thí sinh.
Báo Dân Trí đưa tin, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2018 mở rộng, đại diện nhiều Sở GD&ĐT đề xuất thay đổi liên quan đến bài thi trắc nghiệm để chống gian lận.
Theo đó, đề xuất tách phiếu trả lời trắc nghiệm ở mỗi môn thi trong bài thi tổ hợp; đồng thời mã hóa phách phiếu trả lời trắc nghiệm, tránh tiêu cực khi để lộ thông tin thí sinh.
Thí sinh sau khi thi xong môn Lý và Hoá tại điểm thi trường THCS Trần Văn Ơn (TP. HCM). (Ảnh: Dân Trí) |
Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam nói trên Báo Đời sống & Pháp lý: “Chúng ta nên tách ra mỗi môn thi trong bài thi tổ hợp là một phiếu trả lời trắc nghiệm. Như vậy được mấy điều: Người làm công tác coi thi có thể quản lý phiếu trả lời trắc nghiệm tốt hơn; tránh thí sinh sau giờ nghỉ giữa 2 môn thi có thể các em hỏi các bạn và về điều chỉnh.
Tôi cho rằng, trong phiếu trả lời trắc nghiệm nên làm phách, khi xử lý phiếu trắc nghiệm họ sẽ không biết bài thi của thí sinh nào, từ đó bảo đảm độ bảo mật của bài thi”.
Bà Phạm Thị Hằng – Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho rằng, nên nghiên cứu để có thể mã hóa về phách, làm sao cán bộ chấm thi không thể biết được bài đó là bài thi của học sinh nào. Hội đồng làm phách trắc nghiệm và tự luận nên cách ly triệt để đến khi chấm xong.
Ông Nguyễn Đình Vĩnh – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng đề xuất mỗi môn thi có thể tách riêng thành một phiếu trắc nghiệm, sau đó niêm phong để tiếp tục môn khác. Làm như vậy cũng sẽ tạo thoải mái hơn cho giám thị.
Tại kỳ thi năm nay, thí sinh làm bài thi tổ hợp trên cùng một Phiếu trả lời trắc nghiệm. Trong khoảng thời gian nghỉ chờ và làm thủ tục thi giữa 2 môn thành phần đã xảy ra trường hợp “lọt” đề môn trước tràn lan trên mạng xã hội. Vì vậy, việc trao đổi và sửa kết quả trên phiếu trả lời không khó xảy ra.
Trước đó, tổ công tác phát hiện dấu hiệu sửa Phiếu trả lời trắc nghiệm của một số thí sinh ở Sơn La; đồng thời, ảnh bài thi gốc của thí sinh cũng bị xóa dữ liệu.
Tại Hà Giang, Vũ Trọng Lương – Phó phòng Khảo thí và quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Giang được xác định đã trực tiếp sửa điểm hơn 300 bài thi của 114 thí sinh tại cụm thi THPT Quốc gia tại Hà Giang.
Cán bộ này đã đối chiếu với số báo danh nhận được qua tin nhắn điện thoại và nhập lại điểm (chỉnh sửa điểm) cho thí sinh. Bất ngờ hơn, cán bộ này chỉ dùng hết 6 giây để chỉnh sửa điểm cho một thí sinh trong khi thành viên ban giám sát vẫn túc trực, theo Infonet.
Trang Vũ (tổng hợp)