Thông tin mới nhất trên Thanh Niên và Vnexpress cho hay ngày 28/6, Bộ Công an đã công bố dự thảo lần 2 Quy định về việc thực hiện dân chủ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông để trưng cầu các ý kiến đóng góp trong vòng hai tháng.
Theo đó, đây là lần đầu tiên Bộ Công an đề xuất CSGT phải công khai tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax, số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ thư điện tử của cơ quan công an có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính; tên, cấp bậc và chức vụ của cán bộ.
Cảnh sát này cũng phải công khai tuyến đường và địa bàn những phương tiện và lỗi sẽ bị kiểm soát để xử lý.
Theo như quy định hiện hành có hiệu lực từ năm 2019, cảnh sát chỉ phải công khai tên đơn vị (cục, phòng, đội, trạm), trụ sở, số điện thoại của Thủ trưởng, trực ban, số điện thoại đường dây nóng của cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Trong dự thảo lần này, Bộ Công an sẽ giữ nguyên quy định CS khi làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự, an toàn giao thông phải công khai các văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính (trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước và nội bộ công an nhân dân); các trình tự, thủ tục xử lý vi phạm hành chính...
Theo đó, người dân được quyền giám sát công an trong việc chấp hành điều lệnh, thái độ, tác phong...và cách xử lý có khách quan và đúng pháp luật hay không khi làm nhiệm vụ.
Ngoài ra, việc giám sát sẽ được thực hiện thông qua thông tin công khai của công an nhân dân cũng như phản hồi qua những phương tiện truyền thông đại chúng; thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp những công việc với công an nhân dân.
Dự thảo này so với hiện hành sẽ không còn hình thức giám sát của người dân qua "quan sát, phát hiện hoạt động của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân khi làm nhiệm vụ ở trụ sở, nơi làm việc hoặc trên tuyến đường hay trên các phương tiện giao thông".
Nếu như được thông qua, dự thảo sẽ có hiệu lực trong năm 2019 và thay thế cho Thông tư đã ra đời cách đây 10 năm.