Thông tin mới nhất trên Vnexpress cho hay trong dự thảo của Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được lấy ý kiến người dân, Ban soạn thảo đã đưa ra hai phương án về Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Theo đó, phương án thứ nhất được đưa ra là người lao động được nghỉ 5 ngày Tết âm lịch; nếu ngày nghỉ trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.
Phương án thứ hai được đưa ra là người lao động sẽ được nghỉ 5 ngày Tết âm lịch; nếu ngày nghỉ trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì sẽ không được nghỉ bù.
Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Lao động, Thương binh và xã hội) cho biết thời gian vừa qua có nhiều ý kiến cho rằng thời gian nghỉ Tết quá dài đã làm gián đoạn sản xuất kinh doanh.
Do đó, Ban soạn thảo lấy ý kiến của người dân về vấn đề này để tính toán lại, đảm bảo ngày Tết vui tươi, có nghĩa và không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp.
Thông tin trên báo Người đưa tin cho hay ngày 15/3, Hội Luật gia Việt Nam cũng đã tổ chức tọa đàm góp ý xây dựng dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Theo đó, trong buổi tọa đàm này, các chuyên gia đã tham gia góp ý cho 6 nội dụng trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) mà bộ LĐ-TB&XH đang xin ý kiến để trình Quốc hội thông qua gồm: Mở rộng khung thoả thuận giờ làm thêm tối đa; Điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu; Tổ chức đại diện người lao động; Thời gian nghỉ Tết âm lịch; Bổ sung ngày nghỉ lễ 27/7; Thời gian làm việc của công chức viên chức người lao động trong cơ quan hành chính, tổ chức chính trị xã hội…
Liên quan đến 6 vấn đề này, đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều khi các chuyên gia cũng đã có những lập luận của riêng mình.
Theo ông Nguyễn Hồng Tuyến - Thường vụ Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Chủ tịch Hội Luật gia TP.Hà Nội bày tỏ về thời gian nghỉ Tết âm lịch, ông Tuyến cho rằng nên giữ như luật hiện hành vì đã thực hiện ổn định trong vòng nhiều năm đồng thời nó cũng phù hợp với điều kiện của Việt Nam.