Điểm các báo cùng nhìn lại cuộc chiến tranh bảo vệ Biên giới phía Bắc năm 1979 với những ngày khốc liệt để đến hôm nay chúng ta thêm hiểu hơn về lịch sử của đất nước.
Nhìn lại cuộc chiến tranh bảo vệ Biên giới phía Bắc năm 1979. Ảnh tư liệu |
Báo Vietnamnet có bài: "Chiến tranh Biên giới 1979: Không thể quên lãng"
Nhắc để dân ta nhớ, biết ơn và tôn vinh những chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh để bảo vệ biên cương tổ quốc, như chúng ta đã và sẽ vẫn tôn vinh bao nhiêu anh hùng liệt sĩ trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Không thể quên lãng.
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên viện trưởng Viện chiến lược, Bộ công an nhấn mạnh: Đây là một cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc VN. Về bản chất, nó không khác gì các cuộc kháng chiến oanh liệt trong lịch sử như nhà Lý chống quân Tống, nhà Trần chiến thắng quân Nguyên, nhà Lê tiêu diệt quân Minh, và Quang Trung Nguyễn Huệ đánh thắng nhà Thanh.
Còn trên báo Người lao động có bài: 37 năm Chiến tranh biên giới phía Bắc: Quên là có tội!
Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Lê Mã Lương cho rằng cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc chống quân xâm lược Trung Quốc vẫn còn nhiều “khoảng lặng” làm day dứt những người đang sống cũng như những người đã trải qua cuộc chiến.
Đây là cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ biên giới phía Bắc mà quân dân ta đã chiến đấu và chiến thắng quân xâm lược. Chúng ta cần tự hào về điều này cũng như phải có hành động tương xứng với giá trị của những sự hy sinh đó.
Hiểu rõ hơn cuộc chiến tranh này, VTC đưa phóng sự tư liệu: Những thước phim chân thực về chiến tranh biên giới 1979
Thước phim tư liệu nhìn lại về diễn biến chính cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979.
Ngày 17/2/1979, Trung Quốc quyết định huy động 60 vạn quân tràn qua biên giới phía Bắc Việt Nam, gây nên một cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt, một "câu chuyện buồn" trong lịch sử quan hệ Việt - Trung.
Nhắc lại về cuộc chiến tranh này, trên Infonet đã có loạt bài: Biên giới phía Bắc 1979: 30 ngày không thể nào quên.
Đã 36 năm trôi qua nhưng ký ức của hàng triệu người dân Việt Nam về một trang sử hào hùng của Tổ quốc, ký ức về sự hy sinh của hàng ngàn đồng bào, chiến sỹ đã ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất biên cương khởi đầu từ ngày 17/2/1979 ... vẫn chưa hề phai mờ.
Nhắc lại cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 với 30 ngày khốc liệt để hậu thế chúng ta thêm hiểu hơn về lịch sử của đất nước, để tôn vinh những người con ưu tú đã ngã xuống giống như chúng ta vẫn thường tôn vinh những anh hùng, liệt sỹ của những khác trong suốt thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc.
Trên báo Thanh niên có bài: Chiến tranh biên giới phía Bắc 1979: Con của những người anh hùng
Họ là những sĩ quan biên phòng đang canh giữ từng tấc đất, thước biển thiêng liêng của Tổ quốc, tiếp nối nhiệm vụ của người cha, đã hy sinh ngay trong những ngày đầu đánh trả quân Trung Quốc xâm lược (17/2/1979).
Thiếu tá Ngân Thế Phong thắp hương cho bố - Ảnh: Hà Quỳnh Trang/Thanh niên |
Thiếu tá Ngân Thế Phong (sinh năm 1975), hiện là Phó Tiểu đoàn trưởng của Tiểu đoàn Huấn luyện – cơ động, Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Cao Bằng. Bố của ông là liệt sĩ Ngân Xuân Bình (dân tộc Tày) hy sinh ngày 17/2/1979 khi đang đeo quân hàm trung úy, Chính trị viên phó đội biên phòng Tà Lùng, Cao Bằng. Bố hi sinh khi ông vừa tròn 4 tuổi.
Cùng nhìn lại về cuộc chiến tranh này, Kiến thức có bài: Những ám ảnh về Chiến tranh biên giới phía Bắc 1979
Chiến tranh biên giới phía Bắc đã trôi qua 37 năm, nhưng ngày 17/2 là ngày không thể quên trong ký ức của những người đã trải qua cuộc chiến.
Trở lại Cao bằng những ngày này, trong cái lạnh kỷ lục khiến người ta nhớ đến những ngày tháng 2 của 37 năm về trước, khi Chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra.
Cứ mỗi độ tháng 2 về, họ lại ngồi ôn lại những ngày tháng đã qua. Và kể cho con cháu nghe về những hy sinh, mất mát mà chiến tranh gây ra. Và kể cho thế hệ sau về những người đã sống đã chiến đấu dũng cảm trước quân thù như anh hùng Lý Văn Dư, một mình tiêu diệt 13 tên địch, bảo vệ xóm làng.
Trên báo Pháp luật Việt Nam có bài: Chiến tranh biên giới 1979: Những hình ảnh còn mãi với thời gian
Chiến tranh biên giới Việt - Trung nổ ra vào ngày 17 tháng 2 năm 1979. Trong cuộc chiến, quân và dân ta đã giành chiến thắng khi Trung Quốc tuyên bố hoàn thành rút quân vào ngày 16 tháng 3 năm 1979. Đến nay, những hình ảnh tư liệu về cuộc chiến tranh không chỉ là minh chứng cho lịch sử mà còn gắn mãi với thời gian của dân tộc Việt Nam.
Báo Tuổi trẻ có bài: Biên giới phía Bắc - người Việt hãy đến một lần trước khi chết!
Đó là nội dung lời nhắn nhủ giản đơn nhưng đầy xúc cảm của nhiều bạn trẻ Việt trên Facebook trong ngày 17-2, kỷ niệm 37 năm cuộc chiến tranh biên giới chống quân xâm lược Trung Quốc.
Ngoài ra, cộng đồng facebook đã chia sẻ nhiều bài viết trên các báo nói về cuộc chiến tranh biên giới 1979. Trong đó trích nhiều ý kiến của những người trực tiếp chiến đấu và đề nghị phải gọi đúng tên cuộc chiến này là cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc.
Báo Pháp luật TP có bài: Phải đưa chiến tranh biên giới vào sách giáo khoa
Theo PGS-TS Nguyễn Xuân Thành, việc đưa cuộc chiến tranh biên giới 1979 vào sách lịch sử và giáo khoa phải được coi là hành động làm rõ sự thật lịch sử.
Theo PGS-TS Nguyễn Xuân Thành, bởi lịch sử là sự thật những gì đã diễn ra. Chúng ta không thể cắt xén, bịa đặt, cũng không thể tô hồng hoặc bôi đen lịch sử. Việc đưa cuộc chiến tranh biên giới 1979 với Trung Quốc vào sách lịch sử và giáo khoa phải được coi là hành động làm rõ sự thật lịch sử, nói rõ với nhân dân và các thế hệ sau sự thật về bản chất của cuộc chiến tranh này. Trung Quốc vẫn tuyên truyền rầm rộ về cuộc chiến này.
K. Duy (tổng hợp)