Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM) lần thứ 12 diễn ra trong bối cảnh các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng gay gắt hơn và tình hình thế giới đầy những khó lường.
Hội nghị có sự tham gia của nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ 51 quốc gia châu Á và châu Âu; đại diện của Liên minh châu Âu và Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Dưới chủ đề "Châu Á và châu Âu: Đối tác toàn cầu để đối phó với các thách thức toàn cầu", các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận các biện pháp tăng cường đối thoại và hợp tác giữa hai châu lục trong một loạt các lĩnh vực rộng lớn, bao gồm: thương mại và đầu tư; kết nối; phát triển bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu; cùng các thách thức về an ninh.
Các lãnh đạo tham dự Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 11 ở Ulaanbaatar, Mông Cổ. Ảnh: Reuters. |
Hội nghị Cấp cao ASEM 12 được đánh giá có ý nghĩa quan trọng, diễn ra vào thời điểm tình hình quốc tế và khu vực cũng như hợp tác đa phương đứng trước những cơ hội và thách thức chưa từng có. Là cơ chế hợp tác rộng lớn của hai trung tâm kinh tế - chính trị đầu tàu của phát triển và đổi mới sáng tạo, ASEM cần đóng vai trò tiên phong trong thúc đẩy hợp tác và liên kết quốc tế.
Các hoạt động của ASEM bao trùm nhiều lĩnh vực từ kết nối, thương mại và đầu tư đến chống khủng bố, khủng hoảng di dân. Hội nghị thượng đỉnh ASEM được kỳ vọng sẽ củng cố vai trò của ASEM như một chất xúc tác cho cơ chế hợp tác đa phương hiệu quả, nhấn mạnh vào 3 trụ cột trong quan hệ đối tác.
Đến nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những thành viên tích cực nhất của Diễn đàn với việc đề xuất 24 sáng kiến và đồng bảo trợ 27 sáng kiến về những lĩnh vực thiết thực với địa phương, doanh nghiệp và người dân như văn hoá, y tế, giao thông vận tải, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, khoa học - công nghệ, du lịch, kinh tế, tăng trưởng xanh, an sinh xã hội, phát triển bao trùm, kinh tế số…
Giang Trần (tổng hợp)