Nhạc sĩ Nguyễn Cường đã từng tiết lộ rằng sau khi viết xong bản hợp xướng mà Đặng Lê Nguyên Vũ đặt hàng, ông ngạc nhiên khi thấy ông chủ cafe Trung Nguyên không yêu cầu ông nhắc đến đứa con tinh thần của mình.
Cách đây 11 năm về trước, Đặng Lê Nguyên Vũ đã từng đặt hàng ca khúc viết cho thương hiệu cafe Trung Nguyên từ nơi nhạc sĩ Nguyễn Cường.
Theo chia sẻ của nhạc sĩ Nguyễn Cường, khi nhìn vào mắt Đặng Lê Nguyên Vũ thời điểm đó, ông đã liên tưởng ngay đến đôi mắt của đại bàng khi chất chứa sự tinh anh cũng như những nỗi niềm sâu thẳm mà không phải ai cũng hiểu hết được.
Theo những gì mà nhạc sĩ Nguyễn Cường chia sẻ, quá trình tìm hiểu về con người cũng như thương hiệu của Trung Nguyên khiến ông cảm thấy một ca khúc không thể chuyển tải được hết tầm vóc cũng như khát vong của 'vị vua cafe Việt' này.
Do đó, bản hợp xướng 3 chương, dài 30 phút ra đời với tên gọi “Đại bàng và giọt đắng”, ý tưởng Lưu Trọng Văn và Đặng Lê Nguyên Vũ.
Ba chương trong bản hợp xướng tương đương với ba giai đoạn cuộc đời của chim đại bàng.
Từ lúc ra đời, trưởng thành, chu du khắp thế gian để thu thập tinh túy của đất trời rồi trở về, tự đốt cháy mình, chảy xuống đất đỏ bazan, nở ra bông hoa trắng.
Bông hoa này sau đó đã kết tinh thành hạt cafe, được nhạc sĩ Nguyễn Cường đúc kết thành câu hát "Nước mắt mặn thì trắng, nước mắt đắng thì đen. Nước mắt đen lăn trên bazan đỏ, nở bông hoa trắng”. Phần âm nhạc cũng mang màu sắc nhạc dân gian Tây Nguyên chủ đạo.
Điều khiến nhạc sĩ Nguyễn Cường nhạc nhiên, chính là việc sau khi viết xong bản hợp xướng này, Đặng Lê Nguyên Vũ không yêu cầu ông phải nhắc đến tên đứa con tinh thần của mình là 'cafe Trung Nguyên' hay đưa tên của bản thân mình vào đó.
Việc nhắc đến tên hay thương hiệu của người đặt hàng trong ca khúc đã trở thành mẫu số chung cho những ca khúc đặt hàng viết về ngành, về thương hiệu.
Thế nhưng trong ca khúc mà Đặng Lê Nguyên Vũ đặt hàng nơi nhạc sĩ Nguyễn Cường, không hề có từ nào nhắc đến cụ thể cái tên Trung Nguyên hay Đặng Lê Nguyên Vũ mà chỉ có những hình ảnh và hình tượng để khái quát thành hình ảnh của đế chế Trung Nguyên.
Chia sẻ trên Giadinh.net về việc mất bao lâu để tìm hiểu về con người của Đặng Lê Nguyên Vũ, nhạc sĩ Nguyễn Cường cho biết "Tôi không tìm hiểu mà tất cả là bằng sự cảm nhận. Tôi biết Vũ khoảng 20 năm nay và cũng nghe nhiều chuyện về Vũ, nhưng tôi không làm phim để bê hết những gì về con người Vũ vào tác phẩm. Cái tôi cần là làm sao để người nghe cảm được khí chất, khát vọng đầy lớn lao của Vũ không chỉ với Trung Nguyên mà cao hơn là với đất nước. Tôi mất 6 tháng để thực hiện hợp xướng. Có người bảo, ví Vũ với đại bàng thì có kiêu ngạo quá không? Ai cũng biết, với Tây Nguyên, Vũ là một huyền thoại có thật, lúc nào cũng đau đáu vì đất nước. Nhưng tôi không ví Vũ là đại bàng, bởi vì không phải đại bàng nào cũng mang ý nghĩa sức mạnh và quyền lực. Có những người mang đôi cánh đại bàng thật nhưng cả đời không dám và không thể đập cánh. Còn Vũ, là một con người bình thường nhưng mang trong mình tâm hồn, khát vọng đại bàng. Chỉ cần có tư tưởng ấy, đôi cánh đại bàng đã bay lồng lộng, ngay cả khi đã chết đi rồi”.
Còn nhạc sĩ Dương Thụ khi chia sẻ trên Trí thức trẻ về con người của Đặng Lê Nguyên Vũ lại cho rằng chính sự khác thường của Đặng Lê Nguyên Vũ đã gây ra không ít những suy đoán và hiểu lầm.
"Tôi không hiểu sao với một nền tảng văn hóa thoạt nhìn bình thường như thế anh Vũ lại có thể tiếp cận những vấn đề của trí thức cao như vậy. Thật sự đây là một con người khác thường.
Sự khác thường này khiến cho không ít những suy đoán và hiểu nhầm. Vì dụ cách anh làm thương hiệu. Anh lấy việc quảng bá sách, những cuốn anh đã đọc, anh nghĩ là tốt cho giới trẻ khởi nghiệp. Tốn nhiều tỷ để in 5 đầu sách quí với hàng triệu bản để tặng cho sinh viên, những người anh cho là sẽ thay đổi được đất nước. Cách tặng sách của anh trong những chuyến về các trường Đại học và các địa phương nó không giống cách làm của những người làm văn hóa, rất ồn ào nhưng có hiệu quả rất cao, bởi anh là doanh nhân, một con người thực dụng. Trung Nguyên gắn với sách là gắn với văn hóa, một thông điệp rất rõ cho sự phát triển, mang tính xã hội cao. Giá trị của thương hiệu Trung Nguyên cũng nằm ở chỗ đó".
Theo nhạc sĩ Nguyễn Cường, những gì mà dư luận đang nhìn thấy về câu chuyện ly hôn nghìn tỷ giữa Đặng Lê Nguyên Vũ và Lê Hoàng Diệp Thảo chỉ là bề nổi vì "những uẩn khúc của nó đến chính người trong cuộc cũng chắc gì thấu hết?".
"Nhưng chắc chắn một điều, bất cứ ai từng biết về Trung Nguyên cũng đều trăn trở và lo lắng cho tương lai của thương hiệu này. Để xây dựng một tên tuổi được cả thế giới biết đến như vậy thì ở Việt Nam đâu có nhiều. Còn về những biến động trong đời sống cá nhân của Vũ thì thực ra, ai mang trong mình khát vọng lớn lao đều cô đơn. Vũ có tầm nhìn, có những mong muốn vượt xa với người thường thì lẽ đương nhiên sẽ thấy mình cô độc trên hành trình ấy", nhạc sĩ Nguyễn Cường cho biết.
Cũng theo nhạc sĩ Nguyễn Cường "Vũ sẽ bớt cô đơn hơn khi biết hạ sự sáng tạo hay hạ khát vọng lớn lao của mình xuống. Nhưng có lẽ, một khi người ta đã chọn đó là sứ mệnh của cuộc đời và được sứ mệnh chọn thì cũng phải chấp nhận cả sự đơn độc ấy".