Cơ thể người sau 50 tuổi bắt đầu có những thay đổi theo biểu đồ đi xuống, biểu hiện qua nhiều dấu hiệu suy giảm sức khỏe như yếu sức, mệt mỏi, giảm các hoạt động thể lực, ăn khó tiêu, dễ bị bệnh vặt.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là thói quen dinh dưỡng theo sở thích, thiếu cân đối khiến cơ thể thiếu hụt dưỡng chất. Tuy nhiên, những người sau 50 tuổi thường chưa quan tâm đúng mức đến dinh dưỡng…
Người tuổi 50 nên bổ sung nhiều rau, củ, quả hằng ngày để cung cấp các vitamin cần thiết cho cơ thể. Ảnh Shutterstock |
Thiếu hụt dinh dưỡng cần thiết
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Viết Quỳnh Thư, trưởng khoa dinh dưỡng bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) cho biết, có đến 95% người lớn tuổi gặp các vấn đề suy giảm sức khỏe. Ảnh hưởng đến tốc độ suy giảm sức khỏe, ngoài tác nhân sinh lý thì sự thiếu hụt dinh dưỡng cũng là nguyên nhân chính. Thiếu hụt dinh dưỡng là do:
Ăn uống kém: ở người từ 50 tuổi thường biếng ăn hoặc không thèm ăn do lạt miệng, khô miệng hay do ốm bệnh. Tâm lý buồn rầu, trầm cảm hoặc do ăn kiêng không đúng cũng dẫn đến việc ăn uống kém.
Khả năng hấp thu thức ăn kém: do giảm sức nhai, dịch vị giảm, lượng men tiêu hóa giảm, nhu động ruột cũng giảm gây táo bón… Tất cả các yếu tố trên đều ảnh hưởng đến sự tiêu hóa thức ăn và hấp thu các chất dinh dưỡng.
Những sai lầm trong thói quen dinh dưỡng
Mỗi độ tuổi thì cần có một chế độ dinh dưỡng riêng, thế nhưng ở người Việt thì thói quen dinh dưỡng lại rất ít thay đổi, điển hình là những người qua tuổi 50 vẫn giữ nguyên thói quen ăn uống từ hồi trẻ, vẫn tùy nghi theo sở thích. Việc ăn nhiều tinh bột (cơm), ăn nhiều muối, nhiều đường, dùng thực phẩm chứa chất béo bão hòa… như trước kia đảm bảo mọi người “ăn no” và “hợp khẩu vị” nhưng đã đi ngược lại những nguyên tắc dinh dưỡng khỏe mạnh.
Đặc biệt việc chưa ý thức được tầm quan trọng của bổ sung dinh dưỡng từ các thực phẩm thay thế, từ chối uống sữa… đã khiến người sau 50 tuổi bỏ qua nguồn cung cấp dưỡng chất thiết yếu hằng ngày bên cạnh các bữa ăn chính. Từ chế độ dinh dưỡng thừa mà thiếu này cộng với cơ quan tiêu hóa suy giảm chức năng, hoạt động kém khiến mọi người hay bị thiếu chất, dẫn đến mệt mỏi, sức đề kháng yếu, giảm khả năng chống chọi khi bệnh tật tấn công.
Dinh dưỡng sau tuổi 50 và những điều cần biết
Bác sĩ Nguyễn Viết Quỳnh Thư khẳng định: “Chế độ dinh dưỡng cho người sau 50 tuổi cần cung cấp đủ các chất dinh dưỡng để duy trì các hoạt động của cơ thể và còn phải giúp phòng chống bệnh tật, nâng cao sức khỏe”. Tuy nhiên, việc ăn đầy đủ, cân đối, đa dạng 4 nhóm thực phẩm: chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất cho cơ thể hằng ngày là không đơn giản.
Trong một ngày cơ thể của người sau tuổi 50 cần:
Chất đạm (Protein): khoảng 1 - 1,2g/kg/ngày, được phân bố đồng đều trong các cữ ăn với nguồn cung cấp từ: thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu đỗ...
Chất béo: khoảng 20% - 30% tổng năng lượng, nhưng lại cần hạn chế các loại chất béo no (dễ ăn vì có trong thịt động vật) và tăng cường ăn cá, dầu thực vật (ăn cá khoảng 3 lần/tuần).
Chất bột đường: chiếm khoảng 50 - 60% tổng năng lượng, nhưng cũng chỉ sử dụng khoảng một nửa từ các loại gạo thông thường, còn lại nên dùng ngũ cốc nguyên vỏ, nguyên hạt như các loại đậu đỗ, gạo lứt còn cám, các loại khoai, bắp...
Vitamin và khoáng chất, chất xơ: là những chất rất cần thiết cho cơ thể nhưng lại dễ bị thiếu hụt nhất. Nguời tuổi 50 cần tương đương khoảng 300 - 400g rau xanh, 200 - 300g trái cây mỗi ngày.
Thật khó để người sau tuổi 50 có thể đảm bảo bổ sung đầy đủ các dưỡng chất như trên hằng ngày. Do đó, các bác sĩ dinh dưỡng thường khuyên người đã bước qua tuổi “hườm hườm” nên tập thói quen uống sữa dinh dưỡng thiết kế riêng cho lứa tuổi này mỗi ngày, như một bữa ăn nhẹ để bổ sung đầy đủ, cân đối các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể.
PV