Trong những ngày qua, hàng trăm người dân xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) kéo nhau lên núi săn rùa "lạ" bán được hàng trăm triệu đồng đã phải ra về tay không vì không tìm thấy.
Như tin tức đã đưa, việc săn rùa của người dân xã Hòa Phú bắt đầu từ ngày 22/1, khi một người dân trong xã đi rừng rừng về ngang qua Hố Cau thì phát hiện một con rùa lớn bò lên cạn và bắt về. Khi mang rùa về, một số người khác đã đến hỏi mua với giá hàng chục triệu đồng.
Việc bán được rùa với giá cao nhanh chóng được lan truyền ra toàn thôn khắp xã nên toàn bộ người dân khu vực này đổ xô đi săn rùa.
|
Một con rùa người dân săn được. (Ảnh: Dân trí). |
Được biết, với các tài liệu khoa học Chi cục kiểm lâm TP.Đà Nẵng xác định đó là giống rùa cổ sọc. Rùa cổ sọc có mai màu xanh xám đến đen, yếm tối màu, thường có viền nhạt. Trên đầu và chân trước có nhiều sọc mảnh đặc trưng so với các loài rùa khác.
Theo ghi nhận của PV Lao động tại khu vực hố Cau, chiều 27/1, chỉ có rải rác vài người loay hoay xung quanh khu vực Hố Cau, và những vùng lân cận như khu vực đoạn bên cạnh cầu Trắng (quốc lộ 14B ), đặc biệt là những nơi có nước, vẫn nuôi hy vọng đi săn rùa.
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, những ngày gần đây, chẳng mấy ai còn bắt được rùa, thậm chí có người cần mẫn đi săn trong mấy ngày liên tiếp cũng chẳng thấy con rùa nào.
Chị Nguyễn Thị Tiến, người dân xã Hòa Phú, cho biết:" Những ngày trước, vì có vài người đi rừng, nhìn thấy và bắt được vài con rùa. Liên tiếp, những ngày sau, họ lại thấy rùa nên họ rủ nhau đi săn rùa. Nhưng đến hôm nay, toàn bộ khu vực nơi đây bị cày nát lên cả rồi, rùa đâu mà còn nữa…".
|
Khu vực săn rùa những ngày gần đây vắng vẻ người đi săn. (Ảnh: Lao động). |
Thông tin thêm về sự việc này, ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú trao đổi với PV Dân trí cho biết, hiện người dân đã giải tán, không tập trung ở khu vực trên nữa vì không bắt được rùa nữa. Theo ông Hải, trước đây vào năm 2006, ở khu vực này có một hộ nuôi rùa. Do bão lũ nên vỡ hồ và rùa tràn ra ngoài. Có thể vì lý do này mà tại đây thi thoảng người dân vẫn bắt được rùa đưa về ăn thịt.
Nói về việc rùa lại bò lên núi, ông Hải nói: “Theo tôi có thể là dothời tiết, hơn nữa đây là mùa sinh sản của rùa nên rùa bò lên núi nhiều”.
Theo My Vân/ Đời Sống & Pháp Luật
Xem thêm Video: Kỳ diệu tình bạn tri kỷ giữa người sư tử
//