Để tạo hứng thú cho học sinh với môn học lịch sử, nhiều trường đã sáng tạo nên khu vườn lịch sử trực quan, tạo cách tiếp cận mới với môn học này thay cho phương pháp học truyền thống đọc chép.
Theo thông tin từ Dân trí, Vnexpress, Pháp luật Tp Hồ Chí Minh để giúp cho học sinh hứng thú hơn với môn Lịch sử, nhiều trường học đã sáng tạo khu vườn lịch sử. Tại khu vườn này học sinh được học trực quan và từ đó học sinh cũng học tốt hơn môn học này
“Vườn lịch sử Xứ Thanh”
“Vườn lịch sử Xứ Thanh” là công trình của thầy trò Trường Tiểu học Minh Khai 1, phường Trường Thi, thành phố Thanh Hóa. Theo thầy Hoàng Xuân Khánh hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ ngày mới về trường (năm 2008) xung quanh trường có nhiều ao hồ nên rất nguy hiểm cho học sinh. Đến năm 2010, khuôn viên nhà trường được xây dựng với mong muốn cho học sinh hứng thú hơn với môn Lịch sử, tránh học thuộc lòng, ý tưởng xây dựng “Vườn Lịch Sử xứ Thanh” ra đời.
Cô trò Trường tiểu học Minh Khai 1 tại vườn lịch sử (Ảnh: Dân trí) |
Cũng theo thầy Khánh, mới đầu ý tưởng là nhằm giới thiệu về mảnh đất xứ Thanh với động Từ Thức, Sầm Sơn, suối Cá thần… còn nếu đưa quá nhiều sự kiện của Thanh Hóa thì quá ôm đồm. Vì vậy, những sự kiện nổi tiếng liên quan đến tỉnh được chọn lọc đưa vào khu vườn lịch sử trực quan.
Khu vườn đã tái hiện được phần nào nền văn hóa Đông Sơn, trống đồng Đông Sơn, nơi phát tích của hai triều đại trị vì lâu nhất là nhà Hậu Lê và nhà Nguyễn, những di tích nổi tiếng như Thành Nhà Hồ, chiến khu Ba Đình ở Nga Sơn, cầu Hàm Rồng....
Bên cạnh đó, đỗi với mỗi di tích lại có hệ thống pa nô với những thông tin khái quát giúp người tham quan hiểu hơn về các địa danh, sự kiện lịch sử tiêu biểu của xứ Thanh.
Vườn lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đó là mô hình vườn lịch sử tạiTrường THCS Yên Thọ (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh). Xuất phát từ ý tưởng của các thầy cô tổ Văn – Sử, năm 2014, Khu vườn được xây dựng.
"Vườn lịch sử" đã tái hiện lại những chặng đường hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: mô hình làng Sen quê Bác; mô hình bến Nhà Rồng, nơi Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, tháp Eiffel- biểu tượng nước Pháp để chỉ thời gian hoạt động của Người ở Pháp, mô hình khu di tích Pác Bó (Cao Bằng) gồm có hang Cốc Bó, núi Các Mác, suối Lê Nin…, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và chỉ đạo cách mạng từ năm 1941 đến 1945. Mô hình đình Tân Trào thuộc thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Tuyên Quang)...
Mô hình tháp Eiffel nhằm tái hiện khoảng thời gian chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pháp (Ảnh:Vnexpress) |
Nói về mô hình vườn lịch sử bà Lê Thị Thúy Liễu - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Mô hình chặng đường hoạt động cách mạng của Hồ Chủ tịch cũng giúp giáo dục học sinh học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác", báo Vnexpress dẫn lời.
Học Sử ở Vườn tượng danh nhân
Đó là công trình của Tp Biên Hòa tỉnh Đồng Nai. Theo đó, khu vườn mang tên “Vườn tượng danh nhân văn hóa” là công trình để chào mừng đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đồng thời đây cũng sẽ là nơi thiết thực để học sinh, sinh viên có thể tham quan và học hỏi thêm về lịch sử đất nước.
Vườn tượng danh nhân góp phần khơi gợi tinh thần dân tộc (Ảnh: Pháp luật Tp Hồ Chí Minh) |
Khu vườn nằm tại Văn Miếu Trấn Biên trên đường Chu Văn An với diện tích hơn 3ha. Tại khu vườn, được thiết kế xây dựng tượng 13 vị danh tướng, danh nhân văn hóa nổi tiếng của dân tộc: Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Trịnh Hoài Đức...
Đồng thời, dưới chân tượng đài có in sơ lược về tiểu sử để giúp cho mọi người có thể hiểu thêm về thân thế, sự nghiệp và công trạng của từng danh nhân.
Lịch sử đất nước tái hiện trên sân trường cấp 2
Những sự kiện lịch sử của đất nước đều được tái hiện lại sinh động trên sânTrường THCS Mạo Khê II (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh). Ý tưởng về việc để học sinh có thể học lịch sử mọi lúc mọi nơi ở trên sân trường được xuất phát từ thầy Nguyễn Hồng Quảng, nguyên hiệu trưởng nhà trường. Nguồn kinh phí để xây dựng sân trường lịch sử này là nguồn kinh phí từ địa phương, và xã hội hóa.
Học lịch sử tại mô hình hầm tướng De Castries (Điện Biên Phủ, năm 1954) (Ảnh: Vnexpress) |
Năm 2013, những mô hình đầu tiên như cột mốc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được xây dựng trên sân trường. Và cũng từ đó, những mô hình như Ải Chi Lăng (Lạng Sơn), thành Cổ Loa (Hà Nội), hầm tướng De Castries (Điện Biên Phủ, năm 1954)... lần lượt được xây dựng.
Không chỉ thế, nhà trường còn tận dụng những bức tường bao quanh trường để vẽ, phù điêu lại bằng gốm sứ Lăng vua Hùng, hình ảnh Hai Bà Trưng cưỡi voi ra trận, con rồng thời Lý, Trần, trận Bạch Đằng năm 938 và 1288...
Bài thơ Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt được in trên tường (Ảnh: Vnexpress) |
Như vậy, chỉ cần đi dạo chơi trong sân trường thôi cũng có thể thấy được biết bao sự kiện lịch sử huy hoàng của đất nước. Những chiến thắng lừng lẫy chống giặc ngoại xâm của dân tộc qua các triều đại cứ thế hiện lên trước mắt người tham quan.
Hạ Vân (tổng hợp)