Sau hàng loạt đại gia như Hoàng Anh Gia Lai, Đức Long Gia Lai,… đổ tiền vào nuôi bò, mới đây, Tập đoàn FPT cũng rót vốn đầu tư vào nông nghiệp.
FPT đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp
Mới đây, Tập đoàn FPT đang hợp tác với Tập đoàn Fujitsu để đưa công nghệ cao vào Việt Nam, giúp Việt Nam phát triển nền nông nghiệp thông minh, áp dụng công nghệ cao, nhằm tạo ra sự đột phá.
“Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành cường quốc thế giới về nông nghiệp. Nếu các lĩnh vực khác, đơn cử như công nghệ thông tin, Việt Nam chỉ cố gắng đi cùng thời đại, thì với nông nghiệp, chúng ta có thể vượt trước thời đại, bởi trên thế giới, hiếm có quốc gia nào có điều kiện thiên nhiên thuận lợi như Việt Nam”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT chia sẻ với báo chí.
Theo ông Bình, để làm được điều này, trước hết, doanh nghiệp nông nghiệp phải dám “mơ”, giống như các doanh nghiệp phần mềm từ chỗ chỉ có vài ba doanh nghiệp, nay đã lên tới hàng ngàn doanh nghiệp, trở thành 1 trong 10 nước xuất khẩu phần mềm hàng đầu thế giới. Tất nhiên, muốn trở thành cường quốc nông nghiệp, Việt Nam cần phải có 3 yếu tố: công nghệ, quy mô lớn và lực lượng lao động được đào tạo.
Bầu Đức xoay vòng vốn nhanh nhờ trồng ngô, nuôi bò
Chiều 18/4/2014, tại Đại hội cổ đông thường niên của Tập đoàn HAGL năm 2014, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) Đoàn Nguyên Đức công bố kế hoạch nuôi 100.000 con bò tại Lào và đẩy mạnh trồng 10.000 hecta bắp thành hai vụ một năm sau khi thử nghiệm một vụ trong năm 2013.
Cây bắp có vòng quay ngắn ngày hơn cao su, cọ dầu và bất động sản. Áp dụng công nghệ kỹ thuật cao, trồng vào mùa khô, ít sâu bệnh, khoảng hơn 3 tháng thì bắp cho thu hoạch. Dòng tiền từ loại cây này sẽ tạo lực đỡ cho tập đoàn trong khi chờ đợi những nguồn thu lớn nhưng lâu hơn.
Quý II/2014, trong báo cáo của HAGL sẽ xuất hiện nguồn thu từ bắp và dự kiến năm 2015, sản lượng bắp sẽ tăng gấp đôi do các dự án tại Lào và Campuchia đều trồng 2 vụ liên tục. "Tập đoàn được xoay vòng vốn nhanh, cổ đông cũng vui lây vì có thêm lợi nhuận", ông Đức nói.
Với dự án nuôi bò, người giàu thứ 2 sàn chứng khoán Việt Nam tiết lộ ông bắt tay với Vissan, công ty sữa NutiFood sẵn sàng dốc 12 nghìn tỷ đồng để đầu tư tổng đàn bò thịt và bò sữa là 236 ngàn con.
Để đảm bảo thức ăn chăn nuôi cho số lượng bò “khủng” như trên, theo “Bầu Đức”, ông sử dụng diện tích đất ban đầu khoảng 4.000 ha, trong đó diện tích trồng cỏ 3.400 ha và 600 ha xây dựng hạ tầng phục vụ chăn nuôi.
“Chúng tôi có lợi thế là không nhập thức ăn vì hiện HAGL đang trồng 3 ngàn ha ngô, 30 ngàn ha trồng cỏ voi cho bò và cây gò dầu. Do nguồn thức ăn tự sản xuất nên giá thành thịt bò và sữa sẽ giảm rất nhiều”- ông Đức khẳng định, đồng thời nói thêm hiện HAGL và 2 đối tác đang có trên 2 nghìn kỹ sư nông nghiệp cùng quy mô 120 nông trường ở Lào và Việt Nam.
Đức Long Gia Lai đổ 11.000 tỷ đồng nuôi bò
Tối 8/9, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai và Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam đã tổ chức lễ ký kết hợp tác chiến lược, theo đó Vinamilk chính thức trở thành đối tác chiến lược của Đức Long Gia Lai.
Ông Bùi Pháp, Chủ tịch HĐQT Đức Long Gia Lai cho biết, tập đoàn này sẽ đầu tư các trang trại bò sữa quy mô lớn với 80.000 con bò sữa, 45.000 con bò thịt với tổng mức đầu tư dự án lên đến 11.000 tỷ đồng, gồm các hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng đồng cỏ, chuồng trại, con giống và nguồn nhân lực...
Dự án sẽ nhập toàn bộ giống bò sữa thuần chủng có chất lượng và năng suất cao nhất Holstein Friesian (HF) trực tiếp từ Úc, Mỹ và một phần của Vinamilk; giống bò thịt sẽ được nhập từ Australia. Bước đầu, dự án tập trung đầu tư tại ba tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk và Gia Lai.
Bên cạnh đó, Đức Long Gia Lai sẽ hợp tác khảo sát diện tích chăn nuôi, xây dựng chuồng trai với Tập đoàn Delaval (Thụy Điển), cung cấp giải pháp chuồng trại.
Ông Bùi Pháp cho biết, đầu quý I/2015, đàn bò thịt đầu tiên sẽ về đến các trang trại của Đức Long tại 3 tỉnh và quý II sẽ đón đàn bò sữa đầu tiên.
TH đầu tư 1,2 tỷ USD tạo “đế chế” sữa tươi
Tháng 2/2010, hàng ngàn con bò nhập khẩu từ New Zealand đã về đến Nghĩa Đàn và chỉ 7 tháng sau, dòng sữa tươi sạch TH true MILKchính thức ra đời, đánh dấu hành trình của một thương hiệu đình đám. Cho đến nay, trang trại bò sữa TH đã có tới 35.000 con bò. Theo kế hoạch, quy mô của trang trại sẽ tăng lên 137.000 con vào năm 2017, đáp ứng khoảng 50% nguồn nguyên liệu sữa tươi cả nước và đến năm 2020 là 203.000 con, bằng 50% tổng đàn bò cả nước.
Với quy mô lên tới 37.000 ha, vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, đây là dự án lớn nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam từ trước đến nay. Đây cũng là dự án bò sữa lớn, hiện đại và có năng suất cao nhất khu vực (30-40 lít/ngày/con). Việc đầu tư bài bản từ nuôi bò, trồng cỏ đến chế biến sữa đã biến TH là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam chủ động được hoàn toàn sữa nguyên liệu đầu vào, không hề phải nhập khẩu.
Không chỉ thuê nhà tư vấn Israel, bà chủ TH còn "chịu chơi" đến mức thuê cả nông dân Israel về chăm sóc bò sữa trong giai đoạn đầu. “Cách làm của chúng tôi nói ngắn gọn là sự kết hợp giữa trí tuệ Việt - tài nguyên thiên nhiên Việt và công nghệ đầu cuối của thế giới”, bà Hương nói về cách “đi tắt” để vượt qua rất nhiều đối thủ trên thị trường sữa.
Theo Soha