“Nghĩa vụ quân sự mà bảo mang tiền ra để đo là không thể chấp nhận được” - đại biểu Đào Trọng Thi nói về đề xuất đóng tiền thay nghĩa vụ quân sự.
|
Đại biểu Đào Trọng Thi cho rằng nếu có nghĩa vụ thay thế thì dù bằng cách nào cũng không thể trang bị cho công dân đầy đủ kiến thức quốc phòng |
Tăng độ tuổi động viên lên 27, miễn nghĩa vụ cho thanh niên nghèo, đã có vợ con, đóng tiền thay nghĩa vụ quân sự … là những đề xuất được đại biểu Quốc hội đưa ra tại buổi thảo luận về dự thảo luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) chiều ngày 12/11.
Tăng độ tuổi động viên lên 27
Theo tin tức trên báo Dân trí, đại biểu Nguyễn Văn Hưng (TP.HCM) đề nghị mở rộng về độ tuổi động viên, trong khoảng từ 18 – 27 tuổi, để tránh việc một số đối tượng lợi dụng Chính sách tạm hoãn để “lách”, trốn không thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Đại biểu Đỗ Kim Tuyến cũng đồng tình nâng độ tuổi gọi nhập ngũ từ 25 lên 27 để thu hút người có trình độ thực hiện quân sự trong điều kiện quân đội đang hiện đại hóa, sử dụng công nghệ trong tác chiến, báo Vnexpress thông tin.
"Luật muốn gọi những người sau khi tốt nghiệp đại học vào phục vụ trong quân đội là tốt, nhưng xét góc độ nào đó thì đối tượng này cũng cần cho Xã hội, có thể phục vụ mục đích phát triển kinh tế. Đây là điểm đáng lưu ý. Chúng tôi đồng tình nâng lên 27 tuổi nhưng phải có chế độ để thu hút và đãi ngộ xứng đáng", đại biểu Tuyến nói.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh thì cho rằng, công dân được tham gia nghĩa vụ quân sự là điều may mắn vì cách rèn giũa của quân đội là kỷ luật mà các gia đình mơ ước. Một minh chứng rõ nét là hàng năm, vào dịp nghỉ hè, nhiều gia đình đã bỏ khoản tiền lớn để cho con được tham gia học kỳ quân đội.
"Tôi đồng tình gọi vào bộ đội đến 27 tuổi nhưng phải tính toán làm sao cuộc đời các cháu ko bị lỡ dở. Cần quy định học xong gọi đi phục vụ quân đội ngay, chứ để các cháu đi làm rồi mới gọi thì sẽ dở dang", bà Khánh đề xuất.
Nói về tình trạng trốn tránh nghĩa vụ quân sự, đại biểu Phạm Văn Tam (Hà Nam) nhấn mạnh, việc này đang gây bức xúc trong dư luận và đề nghị cần có chế tài xử phạt mạnh mẽ hơn. Ông Tam chỉ rõ, các đối tượng trốn tránh nghĩa vụ quân sự như trốn khám tuyển, làm sai lệch Hồ sơ khi bị gọi nhập ngũ… đều cần xem như hành vi đảo ngũ.
Đại biểu Cù Thị Hậu (Hưng Yên) cho rằng thực tế chỉ có con em nông dân trình độ phổ thông vào quân đội, vì vậy bà Hậu đồng tình kéo dài tuổi tuyển quân đối với người đi học lên 27 tuổi nhằm huy động được lực lượng đã học qua đại học vào quân đội.
Đề nghị miễn nghĩa vụ cho thanh niên nghèo, đã có vợ con
Được dẫn lời trên báo Tuổi trẻ, thiếu tướng Nguyễn Văn Hưng nói: “Gia đình thuộc diện nghèo đói mà lao động chính lại đi nghĩa vụ quân sự nữa thì nghèo càng thêm nghèo. Tôi đề nghị cân nhắc gọi đối tượng này đi nghĩa vụ quân sự”.
Theo thiếu tướng Nguyễn Văn Hưng, nếu vì đi nghĩa vụ quân sự mà gia đình rơi vào cảnh bế tắc về kinh tế vì mất đi lao động chính thì cũng cần xem lại.
Cũng theo thiếu tướng Nguyễn Văn Hưng, thanh niên đã có vợ con thì cũng không nên gọi nghĩa vụ quân sự. “Có lần đi tuyển quân tôi đã gặp cảnh dở khóc dở cười khi vợ một thanh niên vừa trúng tuyển nghĩa vụ quân sự ẵm con để trước hàng quân rồi đi về vì chồng đi nghĩa vụ không có người phụ nuôi con”, thiếu tướng Hưng kể.
Ông Hưng cho biết trong danh sách trúng tuyển nghĩa vụ quân sự của TP.HCM cũng rất ít người đã có gia đình. Do đó, quy định này sẽ mang tính nhân văn và không ảnh hưởng nhiều đến việc tuyển quân.
Có nên đóng tiền thay nghĩa vụ quân sự?
Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội) và đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) đồng ý đóng tiền thay nghĩa vụ quân sự và đề nghị cần đưa vào dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi lại phản đối gay gắt việc này vì cho rằng “đóng tiền là phản cảm, mất đi tính thiêng liêng của nghĩa vụ quân sự”.
Ông Thi cho rằng, việc đi nghĩa vụ quân sự sẽ trang bị kiến thức quốc phòng, để khi cần thiết tổng động viên thì có thể tham gia chiến đấu ngay.
Theo ông Thi, nếu có nghĩa vụ thay thế thì dù bằng cách nào cũng không thể trang bị cho công dân đầy đủ kiến thức quốc phòng. “Nghĩa vụ quân sự mà bảo mang tiền ra để đo là không thể chấp nhận được”, ông Thi nói.
Ông Thi nhấn mạnh, đi nghĩa vụ quân sự để được rèn luyện kỹ năng, rèn luyện kỷ luật, điều này rất tốt cho những thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự. Vì vậy, phải nói là “được” tham gia nghĩa vụ quân sự chứ không nên nói “phải” tham gia.
Theo Hải Anh/Nguoiduatin