Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam (VRAMP) với vốn đầu tư trên 6.300 tỷ đồng đang bị phát hiện có nhiều sai phạm trong việc ký hợp đồng, nghiệm thu, chọn thầu…
Báo Nông Nghiệp Việt Nam thông tin, dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam (VRAMP) do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phê duyệt năm 2013 với tổng mức đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng, trong đó, vốn vay của ưu đãi của Ngân hàng thế giới (WB) là 250 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại 1,5 triệu USD, vốn đối ứng gần 50 triệu USD…
Trụ sở Ban QL Dự án 3 – cơ quan tổ chức quản lý dự án 6.300 tỷ đồng. (Ảnh: Phapluatplus) |
Tổng cục Đường bộ làm chủ đầu tư, Ban quản lý dự án 3 (QLDA3) là cơ quan tổ chức quản lý dự án này. Thời gian thực hiện dự án từ 2014-2020, gồm 2 hợp phần tập trung vào đầu tư xây dựng, khôi phục, bảo trì cho một số đoạn quốc lộ.
Mục tiêu dự án là nâng cấp, cải tạo một số tuyến đường có tính chất liên kết mạng trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc; bảo trì một số tuyến đường đến niên hạn theo hợp đồng truyền thống và hợp đồng PBC (bảo trì đường bộ dựa trên kết quả và chất lượng thực hiện).
Trong quá trình thực hiện, dự án để lộ nhiều bất cập, khiến thanh tra 2 bộ là Tài chính và GTVT cùng vào cuộc.
Theo Vietnamnet, kết quả thanh tra Bộ Tài chính cho thấy, công tác lập và phê duyệt dự toán các gói thầu xây lắp không đúng dẫn tới tổng dự toán tăng gần 150 tỷ đồng.
Dự án VRAMP được cho là chưa hoàn thành vai trò bảo trì sửa chữa các tuyến đường xuống cấp. (Ảnh: Vietnamnet) |
Bộ Tài chính khẳng định, Ban quản lý dự án 3 phải chịu trách nhiệm trong việc ký hợp đồng và nghiệm thu, thanh toán không đúng số tiền 27 tỷ đồng tại gói thầu RAP/CP6 – 7-10; phê duyệt đơn giá không đúng hạng mục tưới nhựa thấm bám tiêu chuẩn các gói thầu RAP/CP8, 5, 9; nghiệm thu, thanh toán tăng không đúng khối lượng xây mới rãnh bê tông hình thang tại gói thầu RAP/CP6…
Theo Bộ Tài chính, căn cứ báo cáo của Ban quản lý dự án 3, đến 31/7/2017, kinh phí giải phóng mặt bằng đã chuyển cho các địa phương là 391,5 tỷ đồng/506,7 tỷ đồng. Kinh phí Bộ GTVT bố trí vốn giải phóng mặt bằng cho dự án còn thiếu số tiền 11,6 tỷ đồng. Các sai phạm cụ thể xảy ra tại 3 tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên.
Phía thanh tra Bộ GTVT xác định, việc lập duyệt dự toán nhiều gói gói thầu đều có sự chênh lệch lớn so với giá trị dự toán tính lại lên tới hàng tỷ đồng.
Dự án VRAMP sử dụng vốn vay WB nhưng trong các bước triển khai tiếp theo, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Ban quản lý dự án 3 chưa thực hiện các nội dung Bộ GTVT lưu ý như: Lập quy trình bảo trì, vận hành khai thác các tuyên đường; bổ sung hồ sơ đánh giá năng lực hành nghề của cá nhân lập thiết kế cơ sở…
Ban QLDA3 còn để ít nhất 2 nhà thầu không đủ tiêu chuẩn là công ty Quản lý đường bộ Thái Bình và công ty CP Quản lý đường bộ 234 là đơn vị trúng thầu. Việc này đã làm sai lệch kết quả đấu thầu tại gói thầu RAP/CP15, 16, 17 về bảo trì PBC đoạn tuyến QL6, từ Km193 – Km303.
Thậm chí, Ban QLDA3 còn để 3 nhà thầu gồm: Công ty Hòa Hiệp, công ty 656 và công ty CP Vinadelta thi công trước khi bản vẽ thi công được phê duyệt.
Trang Vũ (tổng hợp)