Mấy ngày hôm nay, nhiều người lên mạng và nhận được những lời mời mua dưa giúp nông dân vùng lũ Quảng Nam. Lời kêu gọi này ngọt ngào về tình nghĩa đồng bào nhưng xen lẫn dư vị đắng cay, chua xót...
Tháng trước, Monica Lewinsky có bài thuyết trình mang tên “The price of shame” (Cái giá của niềm xấu hổ) tại hội thảo TED. Bài thuyết trình gây chú ý vì đã miêu tả lại chính xác những gì đã xảy ra với cô sau vụ bê bối với cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Thông điệp mà Monica muốn gửi tới là: “Hãy bình luận bằng những ngôn từ tích cực, tiếp nhận tin tức và click chuột bằng sự bao dung, bởi chúng ta đã gieo những hạt giống của sự xấu hổ và sự tổn thương trên mảnh đất văn hóa của mình, cả ở thế giới thật và ảo”.
Sau hàng chục năm im lặng, Lewinsky bây giờ đã trở thành một “người truyền lửa” giúp những người khác vượt qua sức ép từ cộng đồng và xã hội trong những cuộc khủng hoảng cá nhân. Bởi vì có nhiều người đã phải tìm đến cái chết khi không vượt qua được những khủng hoảng đó, như là cậu bé Tyler Clementi chẳng hạn.
Năm 2010, Tyler một sinh viên đại học tài năng bị bạn cùng phòng bí mật quay lại cảnh cậu đang thân mật với một người đàn ông khác. Khi thế giới mạng biết đến việc này, họ đã giễu cợt và sỉ nhục cậu bé. Một vài ngày sau, Tyler tự tử ở cầu George Washington. Cậu bé chỉ mới 18 tuổi.
Trong thời đại công nghệ thông tin, thời kỳ của Facebook và mạng xã hội thì cộng đồng mạng có một sức mạnh ghê gớm hơn nhiều thời kỳ của Lewinsky. Nếu không may bị cộng đồng ném đá thì cũng chết, mà nếu được Cộng đồng mạng yêu quý thì cũng rất may.
Quay trở lại với việc những bạn trẻ hò nhau mua dưa để giúp đỡ người nông dân. Thật ra thì việc hò nhau mua dưa của nông dân vùng lũ thì cũng tốt nhưng chưa chắc đã tốt hẳn. Bởi vì bản chất của việc này là phá vỡ quy luật thị trường. Những người buôn dưa và ngay cả những nông dân trồng dưa vùng khác, trồng và bán thứ hoa quả khác sẽ bị thiệt hại thế nào khi dưa "ủng hộ" được bán với giá rẻ, phá giá thị trường. Hình như người ta cứ có ác cảm với những người đi buôn và thường thương nông dân theo kiểu bất chấp. Đây là quy luật của thị trường. Nông dân trồng dưa thấy rủi ro cao, không có lãi thì tự khắc sẽ chuyển hướng làm việc khác.
“Tôi hi vọng sẽ kêu gọi đủ số tiền giúp bà con trả nợ ngân hàng”, một người trong nhóm tình nguyện bán dưa nói. Thế ai sẽ là người trả nợ giúp những người đi buôn? Những nông dân trồng dưa vùng khác, trồng và bán thứ hoa quả khác?
Không chỉ chuyện dưa mà trong nhiều chuyện khác chúng ta cũng có xu hướng ưu ái cho nông dân, cho công nhân, cho người lao động... Vẫn biết là khổ, là nghèo là đáng thương nhưng nên chăng là thương theo kiểu khác, tỉnh táo hơn, lâu dài hơn. Cả một nền nông nghiệp quốc gia mà chỉ vì sự biến đổi nhẹ của thời tiết đã nháo nhác thế thì cần xem lại, cần phải đặt câu hỏi, cần phải truy vấn. Phải làm gì để hàng trăm hàng ngàn hecta hoa màu vẫn đứng vững khi mưa lũ nắng hạn diễn ra mới là việc cần suy nghĩ? Chuyện đó là mối quan tâm và trách nhiệm của 4 nhà: nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân.
Mà mối liên kết mấy “nhà” này thì như là chuyện vợ chồng đang “cơm không lành, canh không ngọt”.
Và cái điệp khúc sầu thảm lặp lại hằng năm, hàng ngàn xe tải chở nông sản nằm chờ cả tuần để thông quan để hoa quả bị thối hỏng. Nông sản vào mùa ê hề các chợ với giá rẻ như bèo, thấp hơn cả giá thành.
Trong câu chuyện cổ tích Việt Nam kể cho trẻ con nghe hay có câu “anh chị nông dân chăm chỉ tốt bụng” nhưng “tên lái buôn xảo trá”.
Thời kinh tế thị trường, có ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 để tôn vinh họ, đã được hơn chục năm, nỡ nào nói câu đấy?
Nguyễn Vương