Nguyễn Hà Đông, lập trình viên đứng sau "cú sốc" Flappy Bird đã tiết lộ rằng tựa game này mang lại cho anh một khoản Doanh thu quảng cáo lên tới 50.000 USD mỗi ngày.
Dĩ nhiên, so với con số 850.000 USD mà King thu được mỗi ngày qua Candy Crush Saga, 50.000 USD không phải là một con số quá lớn. Tuy vậy, với một tựa game không hề có các giao dịch ảo, đây vẫn là một thành tích quá ấn tượng.
Được ra mắt vào tháng 5/2013, cập nhật lần cuối vào tháng 9 vừa qua và phải đến đầu năm 2014 mới gây sốt, nguồn doanh thu duy nhất của Flappy Bird đến từ các banner quảng cáo nhỏ ở trên và dưới màn hình mỗi lần kết thúc màn chơi. Hà Đông cho biết anh không có ý định thay đổi điều này.
"Flappy Bird đã đi đến trạng thái mà bất cứ thứ gì được thêm vào cũng có thể làm hỏng trò chơi, do đó tôi sẽ giữ nguyên mọi thứ. Tôi sẽ nghĩ về phiên bản tiếp theo nhưng tôi không chắc chắn về khung thời gian của mình", Hà Đông trả lời trong cuộc phỏng vấn với The Verge.
Theo bình luận của các biên tập viên trang công nghệ Cnet, các thay đổi đối với Flappy Bird chắc chắn sẽ làm hỏng trò chơi. Xét cho cùng, cách chơi của Flappy Bird chỉ xoay quanh một hành động duy nhất: chạm tay vào màn hình để bay qua các ống nước trông gần như giống hệt nhau xuất hiện ngẫu nhiên trên màn hình. Mỗi lần chạm vào bất cứ thứ gì, chú chim sẽ "chết" và người chơi sẽ bắt đầu lại từ đầu. Khó có thể phủ nhận rằng đây là một sức hút cực kì khó cưỡng.
Video chế trò chơi Flappy Bird:
Thực tế, phong cách thiết kế game vốn từng được studio phát triển game DotGears của Hà Đông áp dụng trước đó đã tạo thành sức hút giúp Flappy Bird trở thành hiện tượng như hiện nay. Với đồ họa tối giản như thời kì 8-bit và cách chơi siêu đơn giản, Hà Đông cho rằng thành công của Flappy Bird là do trò chơi này khác biệt với các game di động khác trên thị trường. "Mọi người trong lớp học có thể cùng chơi và cùng tranh đấu vì học chơi Flappy Bird rất đơn giản, nhưng bạn cần phải có kĩ năng tốt để đạt điểm cao".
Hiện tại, Flappy Bird đã đạt hơn 50 triệu lượt tải và đã được đánh giá 47.000 lần trên iOS App Store. Phần lớn các các đánh giá đều "phàn nàn" rằng game này gây nghiện quá khủng khiếp, đi kèm với điểm số 5 sao.
Từ khi Flappy Bird nổi lên và trở thành một hiện tượng của văn hóa đương đại, các tập đoàn truyền thông lớn trên thế giới đều đã nhắc tới tựa game này. Bạn có thể dễ dàng nhìn thấy những cuộc đua điểm số Flapp Bird ở bất cứ đâu, và những bài viết như "Thế quái nào mà tất cả mọi người lại chơi Flappy Bird?" hay "Sức hút kì quái của Flappy Bird" đang xuất hiện trên tất cả các trang báo, website lớn: từ Huffington Post cho tới The Atlantic và cả Yahoo.com.
Hà Đông cho biết anh sẽ sớm phát triển một game tương tự như Jetpack Joyride. Có thể lần này DotGears sẽ không còn gây bất ngờ cho báo giới, nhưng điều đó không có nghĩa rằng người chơi sẽ không nghiện các trò chơi tương lai của Hà Đông.