Từ bỏ công việc ổn định với thu nhập trên chục triệu/tháng, anh Nguyễn Quang Thạch tự nguyện làm "gã ăn mày sách" để cho những đứa trẻ "khát sách" suốt gần 20 năm qua.
Bằng giờ năm ngoái, khi mọi gia đình đang quây quần ăn Tết thì anh Nguyễn Quang Thạch - “người ăn mày sách” đang dong duổi chuyến đi bộ xuyên Việt trong 125 ngày với tổng cộng 1.470km dọc từ Hà Nội vào TP HCM nhằm thực hiện dự án kêu gọi 500.000 người Việt góp mỗi năm 240.000 đồng/người cho chương trình “Sách hóa nông thôn”. Chuyến đi này là một trong những điểm nhấn của hành trình xây dựng tủ sách nông thôn mà anh Thạch trăn trở, thậm chí hy sinh hạnh phúc cá nhân suốt gần 20 năm qua.
Chia sẻ với phóng viên, anh Thạch cho biết: Từ nhỏ anh được đọc nhiều sách, sớm hình thành được tính độc lập và đã tự mình quyết được nhiều việc trong cuộc sống. Chính vì thế anh muốn nhiều người được đọc sách, được trang bị tri thức để tự quyết định cuộc sống của mình, nhất là những đứa trẻ, người dân ở nông thôn.
Anh Nguyễn Quang Thạch tặng sách cho học sinh |
"Trong đời sống, tôi gặp nhiều tiêu cực, những người tạo ra tiêu cực hầu hết là những người không được đọc nhiều sách tử tế. Chính vì trải nghiệm bản thân và hiểu được những lợi ích bản thân được hưởng từ đọc sách nên tôi cũng mong mang được lợi ích đó cho nhiều người khác, mong người dân nông thôn đặc biệt là tất cả học sinh được đọc sách như tôi, như người dân các thành phố và như học sinh Tây Âu. Sâu sa hơn, tôi mong nông dân Việt Nam nắm tay bình đẳng với nông dân Mỹ và Nhật Bản. Khi nắm tay bình đẳng thì phải có tri thức bình đẳng, sản phẩm bình đẳng. Ở mọi thời đại, sự bình đẳng quốc gia đều phải dựa trên nền tảng tri thức", anh Thạch giãi bày.
Hơn nữa, anh Thạch luôn nghĩ rằng việc anh làm là lẽ bình thường vì được sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm công tác xã hội. Hình ảnh người cha hơn 80 tuổi vẫn dạy toán miễn phí cho nhiều trẻ em ở quê luôn truyền cảm hứng cho anh vượt qua mọi khó khăn để đến đích của mọi hành trình.
"Em ông nội tôi trước kia bán ruộng đất làm trường cho dân học, ông nội tôi mời thầy Tây học về dạy cho con cháu và họ hàng, bố tôi dạy miễn phí cho con trẻ nông thôn 20 năm nay. Và tôi cũng làm công việc tương tự nhưng sớm hơn và quy mô rộng hơn. Ông nội với bố tôi mới trong phạm vi cấp xã còn tôi thì muốn làm trên phạm vi quốc gia và lan ra toàn cầu", anh Thạch nói.
Từ bỏ công việc ổn định với thu nhập trên chục triệu/tháng để làm kẻ ăn mày sách thường xuyên cơm đường ngủ bụi, khó khăn ắt rất nhiều nhưng anh Thạch cho rằng chúng chỉ là "vài viên sỏi trên đường" nhắc anh phải nỗ lực để vượt qua.
"Thế hệ ông nội tôi giàu có rồi mới chia sẻ cho xã hội, góp tiền làm đường, làm trường dân học, bố tôi nghỉ hưu rồi mới dạy học miễn phí. Còn tôi đi làm ở mức lương cao rồi và chấp nhận 1 mức lương thấp để coi khoảng trống giữa mức lương cao và lương thấp làm cái nền để kêu gọi xã hội. Từ mức lương cứng gần 14 triệu nhưng trong 3 năm vừa rồi chỉ nhận chưa tới 5 triệu/tháng. Với mức lương này, tôi sống thanh đạm ở Hà Nội và Thái Bình nhưng chấp nhận điều đó vì khi một xã hội phần lớn đều theo đuổi vật chất, thì người hoạt động xã hội cần đặt việc tối đa hóa lợi ích xã hội lên những lợi ích của cá nhân. Tôi luôn ý thức rằng mình cần dấn thân để thế hệ của con và cháu mình không phải những tiêu cực và khuyết tật xã hội như mình và vô số người khác đã và đang phải chịu. Khi con người không phải bức xúc bởi những chuyện tiêu cực thì họ sẽ dành nhiều thời gian cho những suy nghĩ tích cực, sáng tạo. Khi phần đông dân số trung thực và sáng tạo, đương nhiên đất nước sẽ mạnh", anh Thạch nói.
Và với anh khó khăn nhất là thực trạng giáo viên, thậm chí cả một số ông hiệu trưởng ở nông thôn không quan tâm đến việc đọc của học sinh.
"Lý do là vì từ nhỏ họ cũng không có cơ hội đọc nhiều sách, không hình thành được thói quen thì người ta cũng không yêu sách, không yêu sách thì người ta cũng không thúc đẩy được việc đọc của học trò. Ngược lại, nếu được đọc sách từ nhỏ họ sẽ yêu sách và truyền lửa cho các thế hệ học trò. Hơn nữa, họ là những người có quyền trong tay, họ có thể thiết lập ra các quy tắc cho trẻ đọc sách, có thể cho học trò đứng trước cờ giới thiệu sách, đó là điều trong tầm tay của họ mà họ không làm", anh Thạch lý giải.
Khi được hỏi về biệt danh "gã ăn mày", anh Thạch nói: "Tôi tự nhận mình là ăn mày để nhắc nhở bản thân cũng như đưa thông điệp đến các tổ chức, cá nhân đang xin tài trợ biết rằng đã là ăn mày thì phải biết chi tiêu đúng mục đích, chi tiêu tiết kiệm để nhiều người yếu thế được hưởng lợi hơn. Đừng nhân danh người nghèo, các nhóm yếu thế , nhân danh bảo vệ môi trường…để vẽ ra nhiều dự án làm căng túi các ông bà giám đốc nhưng xã hội chẳng được là bao".
"Sau nhiều năm tôi bám trụ nông thôn, phối hợp với các trường học, phòng giáo dục để vận động cha mẹ học sinh cùng làm tủ sách, nhận thức của người dân ở vùng có tủ sách đã có sự thay đổi rõ rệt. Nó được đo bằng số lượng tủ sách được xây dựng, tính đến thời điểm bây giờ là hơn 3.500 tủ, trong đó gần 90% có sự chung tay của phụ huynh, của thầy cô giáo và những người xa quê", Nguyễn Quang Thạch. |
H.Minh