"Nếu gạo đem nấu bị mốc, hoặc bị cho vào (ngẫu nhiên hoặc cố ý) một chất gì đó trong quá trình nấu cũng có thể dẫn tới hiện tượng chuyển màu" - PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh cho biết.
Trước thông tin gạo "lạ" nấu để qua đêm bị chuyển sang màu đỏ xảy ra tại nhà một hộ dân tại xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh (tp. Hồ Chí Minh), PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm(Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, với những trường hợp gạo bị mốc, hoặc trong quá trình nấu bị cho vào ngẫu nhiên (hoặc có chủ ý) một thứ gì đó vào nồi thì cũng có thể gây nên hiện tượng cơm bị biến màu. Còn trong vụ việc này, nếu chỉ dựa vào những thông tin mà báo chí vừa phản ánh thì khó xác định được nguyên nhân gây ra hiện tượng trên. Nếu lo lắng, sợ ảnh hưởng tới sức khỏe sau khi ăn gạo "lạ", gia đình ông T. có thể chủ động mang gạo này tới cơ quan chức năng gần nhất yêu cầu kiểm tra để biết chính xác số lương thực đó có vấn đề bất thường hay không.
Hiện tượng gạo "lạ" nấu để qua đêm chuyển sang màu đỏ tại nhà ông T.. Ảnh: Báo Công an Tp HCM |
Theo PGS. Nguyễn Duy Thịnh, cần loại trừ khả năng do chất chống ẩm, chống mốc trong gạo gây nên hiện tượng gạo nấu chuyển màu đỏ. Bởi thực tế, gạo là một trong những loại nông sản dễ bảo quản nhất. Và sau khi được xay xát, người ta có thể bỏ gạo vào các bao, túi và cất đi để sử dụng trong khoảng thời gian khá dài.
PGS. Nguyễn Duy Thịnh lưu ý, đối với một vụ việc mang tính hy hữu như thế này, cũng không loại trừ khả năng thông tin được phản ánh không chuẩn xác. Bởi hiện tượng xảy ra hoàn toàn mang tính riêng lẻ, không phổ biến ở diện rộng, không có tính tần suất.
"Nếu đúng là số gạo đó có vấn đề, thì không riêng gì nhà ông T., mà còn nhiều hộ dân khác ở quanh khu vực chợ Bình Chánh cũng sẽ gặp tình huống tương tự. Vì như lời ông T. nói, 5kg gạo "lạ" trên đều được mua ngoài chợ. Trong khi đó, tải gạo của tiểu thương không thể chỉ bán cho mỗi gia đình ông T. mà chắc chắn sẽ còn bán cho nhiều khách hàng khác. Cũng là gạo đó, sẽ được các gia đình trong vùng nấu vào bữa sáng, trưa, chiều. Do đó, cũng cần đặt giả thiết về việc tại sao gạo nấu chuyển màu lại chỉ xảy ra ở gia đình ông T. mà không xảy ra ở bất kỳ hộ gia đình nào khác"- PGS. Nguyễn Duy Thịnh phân tích.
Chuyên gia về Công nghệ thực phẩm này cũng cho rằng, nếu những hiện tượng có tính ngẫu nhiên, lặp lại, ở rất xa nhau nhưng có tính chất giống nhau thì mới nên coi là một hiện tượng đáng chú ý. Còn với những hiện tượng mang tính chất riêng lẻ như trên thì dư luận không nên hoang mang.
PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, không nên quá hoang mang trước vhiện tượng mang tính riêng lẻ, không phổ biến như đã được đề cập. Ảnh: Báo Công an Tp HCM |
Trước đó, một trang điện tử đưa tin, gia đình ông N.V.T. ở xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh (tp. Hồ Chí Minh) nấu cơm ăn không hết nên để lại qua đêm, sáng hôm sau thì phát hiện cơm trong nồi từ màu trắng đã đổi thành màu đỏ.
Theo lời của ông T., gia đình thường chỉ sử dụng gạo được chuyển từ dưới quê lên. Truy nhiên, mấy ngày trước, do chưa kịp mang gạo lên nên gia đình mới mua tạm 5kg gạo ở ngoài chợ Bình Chánh để sử dụng. Sau khi nấu, cơm rất dẻo và thơm.
Sáng 25/3, nhà ông vẫn nấu cơm từ số gạo mua trước đó. Do có công chuyện nên bữa đó cơm vẫn còn dư và để tới tận ngày hôm sau. Sáng 26/3, lúc lấy nồi định đi rửa thì ông phát hiện cơm trong nồi có màu đỏ như được tẩm thuốc nhuộm. Nghi gạo có vấn đề, ông sử dụng chính gạo đó nấu thêm một nồi cơm nữa. Đến sáng hôm sau mang ra quan sát thì cơm vẫn có màu đỏ như thế. Khi đem cơm đã chuyển màu bỏ vào trong nước, khuấy đều thì làm cho nước chuyển sang màu hồng.
Được biết, cho tới khi phát hiện sự việc, gia đình ông T. đã sử dụng hết khoảng 4kg gạo trong tổng số gạo đã mua ngoài chợ Bình Chánh.
Vũ Đậu