“Bước qua cái tuổi tứ tuần rồi, tôi nghĩ đến khi chết tôi cũng chỉ làm một việc làm gom xác hài nhi thôi, những hình hài vô tội đó đối với tôi như một duyên phận, giờ muốn dứt ra cũng không được”.
Đó là lời khẳng định của anh Tống Phước Phúc, số nhà 45, đường Phương Sài, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Suốt gần 11 năm nay, không chỉ lặng lẽ đi nhặt xác hài nhi mà anh còn cưu mang nhiều số phận cơ nhỡ. Đứng trước 10.250 nấm mộ vô danh là những hài nhi xấu số do chính mình lượm lặt, chôn cất trong suốt 11 năm qua, người thợ hồ nhỏ thó có đôi mắt hồn hậu lặng người đi thắp từng nén nhang. Sau nhiều lần bặm môi như nuốt nước mắt vào trong, anh Phúc tâm sự: “tôi cũng không ngờ số lượng lại tăng nhanh đến thế, mỗi lần chôn thêm một hài nhi là một lần đau đớn dù chẳng phải ruột thịt gì”.
Cầu kinh để ru ngủ cho các linh hồn nhỏ
Sau cơn mưa trái mùa, chúng tôi theo chân anh Phúc đến nghĩa trang Đông Nhi (dành riêng để chôn cất hài nhi) để dự một ca hạ huyệt hài nhi, anh vừa nhặt được ở Bãi Dương trong tình trạng mất tay, mất tai, toàn thân tím tái và đông cứng. Vừa hạ huyệt anh vừa lẩm bẩm: “Hãy yêu thương những linh hồn bé nhỏ bị bỏ rơi kể cả khi chúng đã qua đời, khi chưa được cất một tiếng khóc đã bị vứt bỏ bởi có thể những đứa trẻ tội nghiệp ấy đã gánh thay chúng ta những tai họa ở trần gian, những nặng nợ kiếp người, những hằn thù nhỏ nhen”.
Cơn mưa rứt, nghĩa trang Đông Nhi ngùn ngụt hương khói như sưởi ấm thêm cho những sinh linh bé nhỏ xấu số đang nằm sâu dưới lòng đất. Nghĩa trang này nằm cách trung tâm thành phố Nha Trang 10km, trên núi Hòn Thơm do chính tay anh Phúc xây dựng. Nhìn chiếc mộ được đánh số 10.250 (cũng là nấm mộ thứ 10.250) vừa hạ huyệt, anh bạn già của tôi là nhà văn Nguyễn Hoàng Thu, người từng đến dự nhiều buổi lễ hạ huyết trầm buồn: “Có những hôm, một ngày ạnh Phúc phải chôn 9 hài nhi, người đến đưa tiễn rất đông, dù không có tiếng khóc nào bật ra cửa miệng, nhưng trong khoảnh khắc trầm lặng lặng đó ai cũng có thể cảm nhận được sự nghẹn ngào ẩn sâu trong những ánh mắt đau đáu thương cảm của từng người.
Anh Phúc bên những đứa trẻ bị bỏ rơi mà anh đang cưu mang, chăm bẵm.
Những ngôi mộ trong nghĩa trang này không được đặt tên mà chỉ đánh số thứ tự”. Cách nghĩa trang Đông Nhi không xa là một túp lề xiêu vẹo, những ngày trời mưa, những đêm rét mướt hay gió bão, sợ các sinh linh nhỏ cô đơn, anh Phúc thường mang kinh Phật đến ngồi trong lán và đọc thâu đêm.
Có hôm anh đọc đến mệt lả người và ngủ gục ngay trên nền đất. Anh nghẹn giọng kể rằng: “Không phải mê tín đâu. Rất nhiều hôm đến lều cầu kinh, giữa đêm khuya thanh vắng tôi như nghe rõ tiếng than khóc của trẻ nhỏ, kể cả những tiếng nấc nghẹn như ai oán. Thật lạ, sau nhiều đêm tôi đọc kinh Phật thì hiện tượng này như bớt hẳn. Nhớ như in cái đêm giữa năm 2012, đang chợp mắt bỗng thấy hàng trăm chiếc bóng trắng vật vờ trên các bia mộ, ngày mai tôi mời thêm cả sư chùa đến tụng kinh hai đêm thế là hết”. Nhiều lần, không ít người thấy anh Phúc mua những cuốn sách hát ru trẻ thơ đi xung quanh nghĩa trang Đông Nhi hát cả buổi không biết mệt.
Có hôm gom được cả bao tải xác hài nhi
Nhớ lại lần khâm liệm hài nhi đầu tiên, anh bồi hồi kể: “Tôi sinh ra ở vùng quê nghèo Mỹ An (Đà Nẵng), lớn lên, gia đình đông anh em nên đi tha hương ở nhiều nơi và quyết định dừng lại ở Nha Trang. Sau nhiều năm vật lộn với nghề thợ hồ, có một số vốn nhất định mua được miếng đất nhỏ ở đường Phương Sài, tôi quyết định lấy vợ. Ngày 13.7.2002, trong lúc chăm vợ trở dạ trong bệnh viện, cùng phòng đẻ với vợ tôi có cô sinh viên năm 2 đẻ non, đứa bé bị chết nên cô ta lẻn bỏ đi mất hút. Lúc đó, tự nhiên tôi có ý nguyện được chôn cất và hương khói cho hài nhi xấu số đó và ý nguyện đã được bệnh viện chấp nhận”. Mang hài nhi đầu tiên về nhà liệm xong, anh Phúc đi khắp vùng ven thành phố Nha Trang tìm đất trống, cuối cùng, anh tìm được một bãi đất trên triền núi Hòn Thơm là nghĩa trang Đông Nhi bây giờ.
Những ngày đầu phải san quả đồi toàn đá cho phẳng để xây nghĩa trang, có hôm bàn tay anh tứa máu. Có nghĩa trang, thế là hài nhi bất hạnh đầu tiên được nơi an nghỉ, rồi đến bé thứ hai, thứ ba, thứ tư...Những ngày sau đó, anh còn đến các bệnh viện xin họ cho mang các hài nhi xấu số từ các ca hút thai về để chôn cất. Có phòng hộ sinh mấy ngày tích tụ lại họ chuẩn bị sẵn hàng thùng xốp hoặc hàng bao tải hài nhi cho anh Phúc đến nhận.
Thư khen ngợi của nguyên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho hành động cao đẹp của vợ, chồng anh Phúc.
Bác sỹ Nguyễn Nam (khoa sản Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa) cảm kích cho biết: “Nhiều người thấy việc làm của anh Phúc là bình thường nhưng tôi nghĩ đây là việc làm rất hiếm, có những hôm nửa đêm nghe có người báo thấy hài nhi bị vứt bỏ mãi dưới Vạn Ninh (cách Nha Trang 70km), Phúc vẫn phóng xe đi lấy về để ngày mai an táng”. Có những bà mẹ lặng lẽ bọc xác bé trong chiếc khăn tìm tới bỏ lại trước cửa nhà anh và đi mất hút. Rưng rưng, anh Phúc tâm sự rằng: “có nhiều đêm mưa, chuông cửa liên tục réo nhưng ra ngoài chẳng có ai, vội vàng mở ra thì thấy một xác chết đã hình thành đầy đủ hình hài, những lúc như thế tôi cảm thấy như nghẹn đắng trọng cổ họng và lại bị ám ảnh và thức thâu đêm”.
Nơi nương tựa cho những phận cơ nhỡ
Đi xin xỏ được đưa tất cả các bé dù đã tượng hình hay chưa đủ hình hài từ các nhà hộ sinh, bệnh viện…về an táng đã là một việc làm đáng nể phục, nhưng anh Phúc không chỉ dừng lại ở đó, mà còn xin các bệnh viện khi gặp các trường hợp đến nạo, hút thai hãy báo cho anh hoặc động viên họ đến nhà anh để anh được cưu mang và nuôi đứa trẻ khi họ sinh ra. Có lần, anh Phúc đến tận bệnh viện dẫn về một cô sinh viên mang bầu tháng thứ 6, đang có ý định vứt bỏ về nhà mình. Trong lúc anh và cô gái đi qua bãi đất vắng cạnh đại học Nha Trang, anh Phúc thấy có một túi ni lông màu đen, ruồi muỗi bám đầy.
Nghĩa trang Đông Nhi, nơi anh phúc đã tự tay chôn cất 10.005 hài nhi bị vứt bỏ.
Anh tâm sự rằng: “Lúc đầu tôi cứ nghĩ đây là túi rác của gia đình nào đó ném ra đây. Nhưng rồi đi được một đoạn, tự dưng trong người tôi như có linh tính, cứ bồn chồn chẳng yên, đặc biệt là hình ảnh chiếc túi màu đen cứ như ngay trước mắt mình. Đứng lại suy nghĩ một lúc, tôi quyết định quay lại xem bên trong túi đó chứa thứ gì. Và, tôi đã giật mình đau xót khi chứng kiến một hài nhi đang thoi thóp thở, thân thể bị kiến bu đầy nhưng đôi mắt bé mở to nhìn chằm chằm như muốn nài nỉ, van xin”.
Anh Phúc vội vã mang hài nhi đang thoi thóp đó đến bệnh viện thì chết, tận mắt chứng kiến cảnh đó, cô sinh viên đi bên anh đã bỏ hẳn ý định hút bỏ cái thai 6 tháng của mình để đến nhà anh Phúc nương nhờ. Hiện tại, nhà anh vẫn đang nuôi một số cô gái cơ nhỡ. Một cô tên Quyên người Bến Tre tâm sự: “Do chót dại, chiếc thai được 5 tháng, tôi quyết định đi hút bỏ nhưng các bác sỹ gọi cho anh Phúc, anh đã đến khuyên nhủ tôi và còn hứa nếu tôi không nuôi được bé, anh sẽ nuôi cho đến bất cứ lúc nào đủ điều kiện nhận lại”
Nhiều cô gái lỡ đẻ con nhưng không muốn nuôi đã ẵm đến bỏ trước nhà anh Phúc nên đến nay trong căn nhà nhỏ của anh có gần 20 đứa trẻ bị bỏ rơi, đứa lớn nhất đã học mẫu giáo, đứa nhỏ nhất chưa đầy một tuổi, tất cả vợ chồng anh đều chăm bẵm và xem như con của mình. Đặc biệt, những đứa trẻ cơ nhỡ này anh và vợ là chị Hải Yến chỉ đặt xoay quanh 4 cái tên: Vinh, Đạo, Lộc, Tâm…với mong muốn cuộc đời chúng sau này sẽ được vinh quang, có phúc, có lộc, có đạo nghĩa…
Về tình cảnh những người tìm đến gặp anh Phúc rồi bỏ con lại cũng có đủ kiểu, có bà mẹ là gái làng chơi, có cô mù chữ, dính bầu đã sáu tháng trong lúc đi chăn bò với bạn trai ở miệt quê nghèo khó, có em mới học lớp 10, có cả bà ở vỉa hè, có cả mất cô sinh viên…Việc làm cao đẹp của anh Phúc đã được nguyên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cảm động, đích thân đến thăm và viết thư khen và khẳng định : “Những việc làm của anh, cùng với rất nhiều việc làm nghĩa tình khác trong cộng đồng vẫn đang nảy nở sẽ như hoa thơm diệt trừ cỏ dại để hướng đến chân, thiện, mỹ có ảnh hưởng sâu sắc đến niềm tin của con người được xây dựng trên cơ sở đạo đức và phẩm hạnh”.
Chia tay anh Phúc, chi tay nghĩa trang Đông Nhi, chiều đã sẫm tối, gió núi thổi dàn dạt trên từng nấm mộ nằm nối tiếp nhau, ai trong chúng tôi cũng cầu nguyện hơn 10.250 hài nhi kia sẽ được siêu thoát.