Đến đầu giờ chiều hôm nay (23/7), Giá vàng trong nước vẫn chưa ngừng tăng và chính thức vượt mốc 54 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, lúc 14h00, Vàng bạc đá quý Sài Gòn đã điều chỉnh giá vàng SJC tăng thêm 200 nghìn đồng/lượng so với sáng nay, hiện niêm yết ở mức 52,95 - 54,08 triệu đồng/lượng.
Tương tự, Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tăng lên 52,95 - 54 triệu đồng/lượng, tập đoàn Phú Quý tăng lên 53,00 - 54,00 triệu đồng/lượng.
So với ngày hôm qua, giá vàng miếng SJC tăng 1 triệu đồng lượng, còn nếu so với đầu tuần, mỗi lượng vàng đã tăng thêm 4,15 triệu đồng.
Còn so với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng trong nước đang cao hơn 1,38 triệu đồng/lượng trong khi buổi sáng chênh lệch chỉ ở mức 910.000 đồng/lượng.
Điều đáng lưu ý là giá vàng càng lên cao, khoảng cách giữa giá mua - bán càng giãn rộng. Chiều nay, khi giá bán vàng miếng vượt ngưỡng 54 triệu đồng/lượng, khoảng cách giữa giá mua - bán lên 1,1 triệu đồng/lượng.
Không chỉ giá vàng miếng mà giá vàng nhẫn chiều nay cũng tăng vọt. Hiện giá vàng nhẫn bốn số chín SJC bán ra ở mức 52,6 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng so với buổi sáng và ngang ngửa với giá vàng thế giới quy đổi.
Còn so với giá vàng miếng, giá vàng nhẫn đang thấp hơn 1,45 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước tăng mạnh sáng nay diễn ra trong bối cảnh vàng thế giới trên sàn Kitco đang tăng dựng đứng so với phiên liền trước.
Trên thế giới, lúc 14h ngày 23/7, giá vàng giao dịch ở mức 1.877,3 USD/ounce, quy đổi tương đương 52,67 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới hiện vẫn trong xu thế tăng nhanh. Nhiều tổ chức dự báo giá vàng thế giới sẽ vượt kỷ lục 1.921 USD/ounce trong vài tháng tới. Tuy vậy, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo vàng đã xuất hiện những dấu hiệu đảo chiều do giới đầu tư muốn hiện thực hóa lợi nhuận sau khi giá đã tăng quá mạnh.
>>> Xem thêm: Người phụ nữ ở Hải Phòng bị lộ clip nhạy cảm: Hé lộ lỗ hổng bảo mật từ camera an ninh
Hiện tại, giá vàng đã tăng lên mức cao nhất trong gần 9 năm qua khi nhà đầu tư kỳ vọng vào các gói kích thích kinh tế nhiều hơn.
Trong một báo cáo công bố ngày 21/7, Capital Economics đã nâng giá mục tiêu của kim loại quý đến cuối năm 2020 từ 1.600 USD/ounce lên 1.900 USD, tăng gần 19%. Vàng thế giới quy đổi ra tiền Việt hiện có giá 52,2 triệu đồng/lượng, thấp hơn nhiều giá các doanh nghiệp trong nước đưa ra.
Chuyên gia kinh tế hàng hóa tại Capital Economics James O'Rourke cho rằng, lợi suất trái phiếu thấp hơn và đồng bạc xanh của Mỹ yếu hơn trong nửa cuối năm 2020 có thể tạo ra một cơn lốc mạnh khác cho vàng.
Theo khảo sát của Kitco, có tới 69% chuyên gia Wall Street và 60% nhà đầu tư Main Street dự đoán giá vàng sẽ tăng. Trong khi đó, chỉ 6% số chuyên gia và 21% số nhà đầu tư nhận thấy, giá vàng sẽ giảm; 25% chuyên gia Wall Street và 19% nhà đầu tư Main Street chưa phân rõ được xu hướng.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Adrian Day Asset Management, ông Adrian Day đánh giá, giá vàng sẽ tiếp tục tăng cao hơn khi kinh tế thế giới đang phải đối mặt với nhiều bất ổn. "Mọi người đang mua vàng như một tài sản bảo hiểm, giá trở nên ít quan trọng hơn, do đó, vàng có thể tiếp tục tăng cao đáng kể", ông Adrian Day nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nhiều nhà phân tích tin rằng, sự suy yếu của đồng USD sẽ thúc đẩy vàng tăng mạnh. Chiến lược gia thị trường cao cấp của Tập đoàn LaSalle Futures Charlie Nedoss đánh giá, chính phủ Mỹ sẽ sớm phải công bố các biện pháp kích thích mới để hỗ trợ nền kinh tế đang chững lại, do đại dịch Covid-19 tiếp tục lan tràn; việc này sẽ đè nặng lên đồng USD và hỗ trợ vàng tăng giá.
Citi Group thì dự kiến, giá vàng sẽ sớm đánh bại mốc 1.920 USD/ounce từng đạt được vào năm 2011 và sẽ còn tiếp tục cao hơn nữa, có thể đạt mức cao nhất mọi thời đại trong 6 đến 9 tháng tới. Hầu hết các nhà phân tích cho rằng, có 30% cơ hội giá vàng sẽ lên 2.000 USD/ounce trong 3 đến 5 tháng tới.