Thông tin mới nhất trên báo Tuổi Trẻ và Dân Trí cho hay sáng ngày 31/5, Quốc hội tiếp tục buổi làm việc cuối của phiên thảo luận KT-XH, nhiều bộ trưởng đã được mời lên giải trình về các vấn đề mà các ĐBQH quan tâm.
Theo đó, khi báo cáo trước Quốc hội sau các nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành giáo dục trong 1 ngày qua, người đứng đầu Bộ GD giải thích về những thông tin có liên quan đến kỳ thi THPT Quốc gia.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, việc đổi mới, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục đào tạo là một trong những vấn đề nằm trong chủ trương của Trung ương về việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo.
Cụ thể, yêu cầu đề ra của Trung ương là khắc phục việc trong 1 năm có 3 kỳ thi liên tiếp (thi tốt nghiệp THPT, thi cao đẳng, đại học, thi vào trường nghề) rất nặng nề. Theo đó, Chính phủ từ khoá trước đã bàn hướng xây dựng 1 kỳ thi chung cho cả mục đích công nhận tốt nghiệp cho học sinh phổ thông và tuyển sinh cao đẳng, đại học.
Theo Bộ trưởng Nhạ, Bộ GD&ĐT đã thực hiện chỉ đạo này, từng bước khắc phục việc không minh bạch để hướng đến kỳ thi trung thực.
Song trong năm 2018, tiêu cực trong vụ gian lận thi cử THPT Quốc gia xảy ra tại nhiều địa phương khiến dư luận hết xôn xao.
Sau đó, Bộ GD đã tiến hành rà soát lại, đánh giá nguyên nhân dẫn đến tiêu cực.
"Bộ GD&ĐT và tôi với trách nhiệm cá nhân là người phụ trách ngành xin nhận thiếu sót", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận.
Theo người đứng đầu Bộ GD, những thiếu sót trong kỳ thi THPT Quốc gia có thể kể đến như: Phần mềm thi trắc nghiệm được xây dựng vẫn còn lỗ hổng kỹ thuật để bị lợi dụng; Bộ GD-ĐT chưa hướng dẫn nghiệp vụ đầy đủ ở một số địa phương trong quá trình tổ chức thi; Việc chấm thi chưa nghiêm túc; Công tác chọn cán bộ tham gia thi, nhất là ở khâu chấm thi ở một số địa phương còn chưa chặt chẽ, chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về phẩm chất và năng lực, thậm chí suy thoái biến chất, cấu kết với nhau để cắt xén hoặc vô hiệu hóa quy trình đã được quy định cụ thể để thực hiện hành vi gian lận nâng điểm thi cho thí sinh.
Liên quan đến vụ gian lận thi cử tại nhiều tỉnh trên cả nước, Bộ GD đã phối hợp cùng Bộ CA tích cực điều tra và xử lý tiêu cức gian lận thi cử tại Hòa Bình, Sơn La và Hà Giang.
Đồng thời Bộ GD&ĐT cũng đã tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm sau vụ việc.
"Quan điểm của chúng tôi là xử lý nghiêm minh. Bộ GD-ĐT cũng đã đề nghị các địa phương xem xét, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức và phụ huynh có hành vi gian lận điểm thi cho con em mình cần cương quyết đưa ra khỏi ngành Giáo dục địa phương những cán bộ giáo viên có sai phạm”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.