Đề cập đến giáo viên ăn cắp đề thi để gạ tình nữ sinh ở Cà Mau, PGS Văn Như Cương cho rằng, khi tuyển dụng rất khó phát hiện những người có đạo đức kém nhưng có thể ngăn ngừa bằng cách bắt ký cam kết, nếu có hành vi sai trái thì không tuyển dụng nữa.
Như tin tức đã đưa, trước kỳ thi học kỳ I (năm học 2015-2016 diễn ra từ ngày 16 đến 19/12/2015), ông Phạm Thanh Đen, giáo viên dạy môn Lý - Tin, trường THPT Ngọc Hiển (thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) đã đột nhập máy tính của trường lấy cắp đề thi khối 12. Khi có đề thi trong tay, ông này nhắn tin với các học sinh trên mạng, nói chuyện “tình cảm” và gởi những hình ảnh thể hiện sự thân mật của nam và nữ nhằm gạ tình các em.
Giáo viên ăn cắp đề thi để gạ tình nữ sinh: do áp lực cuộc sống?. |
Việc ông Đen đánh cắp đề thi bị trường phát hiện sau đó nhưng đã âm thầm theo dõi và lấy đề thi dự phòng cho các em thi. Khi thi bị "trật tủ", các em học sinh xôn xao cho rằng bị ông Đen lừa, sau đó đã có bảy em học sính "tố" chuyện ông Đen lấy đề thi “đổi chác” với các em.
Trao đổi với phóng viên, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT trường Lương Thế Vinh nói: "Không có lời nào nói được. Những con người như thế không nên tồn tại trong hàng ngũ giáo dục. Tất cả hành động ăn cắp đề, đưa đề ra ngoài, gạ gẫm học sinh…của anh này không có gì bào chữa được".
Ông Cương cho rằng, nhà trường ra quyết định đình chỉ công tác đối với giáo viên này là hoàn toàn chính xác. Về phía Sở GD-ĐT cũng nên cương quyết với những trường hợp này.
"Anh này đã không làm được chức năng của một người thầy mà lại làm những việc tai tiếng như thế thì phải cho ra khỏi ngành để đi làm việc khác", ông Cương nhấn mạnh.
Cũng theo ông Cương, khi tuyển dụng, rất khó phát hiện những giáo viên có đạo đức kém như thế bởi khi phỏng vấn có thể họ không thể hiện ra nhưng có thể ngăn ngừa bằng cách bắt ký cam kết, nếu có hành vi này kia thì không tuyển dụng nữa.
Ngoài ra, để ngăn ngừa những trường hợp tương tự tồn tại, xuất hiện, kỷ luật cũng là biện pháp tốt.
"Những gương tốt thì tuyên dương những hình ảnh người thầy tận tâm, yêu thương trò. Những trường hợp vi phạm cũng nên nêu gươn, kỷ luật cũng là một biện pháp giáo dục", ông Cương nói.
Ở góc độ phân tích tâm lý, TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, khi ở trong trường đào tạo giáo viên, họ rất là trong sáng. Tuy nhiên, sau khi ra trường, trước thực trạng xã hội phức tạp, có quá nhiều thứ khiến cho con người phải mệt mỏi nhất là trong thời kỳ mở cửa, tất cả mọi người đều rất là hoang mang về tất cả các thông tin trên mạng xã hội. Hơn nữa trong cuộc sống mỗi người đều có những bế tắc ví dụ: có những người không làm sao có được người yêu, bởi vì người ta là giáo viên nghèo. Tất cả những ức chế đó dồn nén lại và đến một lúc nào đó bị hoàn cảnh tác động, đã đẩy họ đến hành động sai trái.
“Cuộc sống của họ quá bức bách nó tạo lên cái bất thường về tâm lý chứ không phải là họ cố tình. Chúng ta phải coi như họ mắc một chút bệnh lý thì đúng hơn. Họ không muốn làm điều đó nhưng không có cách nào để tháo gỡ những vấn đề về tâm lý của người ta. Nhiều người mắc bệnh tâm không nhận ra rằng mình mắc bệnh. Tôi buồn chán, thiếu tiền, chúng ta không biết là chúng ta có vấn đề nên không tìm cách giải quyết vấn đề đó mà lại gây ra những chuyện sai trái khác”, bà Hương phân tích.
H.Minh