Hiện tượng giếng nước tự phun trào là hiện tượng khác thường và hiếm thấy, ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó giám đốc Sở tài nguyên Môi trường Đồng Nai cho biết.
Mới đây, một giếng khoan tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có hiện tượng phun nước lên cao đến 20 mét đã khiến dư luận quan tâm. Chia sẻ trên Vnexpress, ông Nguyễn Văn Bảnh (xã Đá Bạc, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, do nhu cầu cần lấy nước tưới cây nông nghiệp nên ông thuê thợ khoan giếng. Khi khoan đến độ sâu 80m thì nước bắt đầu phun lên.
Video:
[mecloud]huSCiSGPk5[/mecloud]
Theo ghi nhận ngày 1/6, dòng nước chỉ còn khoảng 15 m và phát ra tiếng ào ào như thác.Ban đầu, cột nước phun lên chỉ khoảng 60 cm, nhưng sau khi rút ống khoan, cột nước này bắn lên cao đến 20 mét.
"Không biết nó sẽ kéo dài bao lâu nhưng nước nhiều thế này có thể gây ngập úng vườn", chủ nhà tỏ ra lo lắng.
Hàng chục giếng nước tự phun trào
Đây không phải sự việc hiếm có, bởi trước đó tại nhiều địa phương trong nước cũng xuất hiện những giếng khoan tự phun nước lên cao như vậy. Đơn cử như tại nhà ông Tăng Văn Cao (49 tuổi, ấp Ngô Quyền, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất, Đồng Nai).
Ông Cao cho hay, mùa khô năm 1999, giếng đào ở độ sâu 10 m của gia đình hết nước, nên ông phải thuê thợ về khoan giếng. Khi xuống độ sâu 20 m thì nước theo mũi khoan trào lên. Ông Cao và nhóm thợ rút mũi khoan thì nước bắn lên, tạo thành cột nước cao gần 3 m. Những tưởng, cột nước chỉ chảy một thời gian rồi thôi nhưng cho đến nay, cột nước này vẫn tiếp tục phun trào.
Đặc biệt, nước phun mạnh, không màu, không mùi, tinh khiết như nước khoáng và đủ cho gia đình ông Cao sử dụng và tưới hơn 1ha vườn cây ăn quả. Thấy vậy, nhiều người trong thôn cũng bắt đầu khoan giếng, khi khoan xuống độ sâu từ 20-30 mét thì cũng xuất hiện hiện tượng tương tự.
Để tiết kiệm nước, người dân đã lắp van khóa. Thế nhưng, sau khi lắp van khóa nước thì nước không phun trào lên nữa.
Hiện tượng nước giếng tự phun chỉ xảy ra tại khu dân cư tổ 15, ấp Ngô Quyền với đường kính khoảng 800 m. Những hộ dân ngoài vùng hoặc lân cận có địa hình thấp hơn không có hiện tượng lạ này.
Nước từ các giếng khoan tự phun rất mát và tinh khiết nên người dân sử dụng để nấu ăn, sinh hoạt và tưới cho cây. Ảnh: Ngọc An (Zing) |
Theo anh Nguyễn Nhật Minh (người trong tổ 15), chỉ cần khóa ngắt dòng chảy khoảng 2 giờ, sau đó mở khóa lại thì giếng không phun nước nữa. "Những lúc như vậy chỉ còn cách chờ nhiều ngày sau hoặc dùng máy bơm để 'mồi' thì nước mới phun trở lại", anh cho hay.
Cũng theo anh Minh, do sợ mất nguồn nước nên các hộ dân phải thiết kế van điều chỉnh chảy nhanh, chậm hoặc làm các đường ống cho nước chảy liên tục ngày đêm để duy trì mạch phun.
Hồi tháng 3/2015, báo điện tử VOV cũng đưa tin về 4 giếng nước tự phun trào tại Phú Yên. Ông Nguyễn Thành Đức ở xóm Cầu Sắt, thôn Phú Long, xã An Mỹ, chủ của 1 trong 4 giếng nước tại đó cho biết, tháng 3/2015, gia đình ông đã thuê thợ về khoan giếng để lấy nước sinh hoạt. Khi khoan đến độ sâu 40 m, giếng nước bắt đầu phun trào.
Video: Kỳ lạ giếng nước tự phun trào tại Phú Yên giữa mùa hạn
[mecloud]x2HHrmCeNv[/mecloud]
Nguồn ANTV.
Gia đình đã đặt ống nước có đường kính 14 cm từ đáy lên khỏi mặt đất hơn 2 m, nhưng sức nước vẫn phun trào khá mạnh.
Tính đến nay, khu vực xóm Cầu Sắt đã có 4 giếng khoan nước tự phun trào, cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho hàng trăm hộ gia đình. Trong đó, giếng nước của gia đình ông Đức có sức phun trào mạnh nhất.
Có phải hiện tượng lạ?
Về hiện tượng trên, ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó giám đốc Sở tài nguyên Môi trường Đồng Nai cho rằng, đây là hiện tượng khác thường và hiếm thấy. Tuy nhiên, để có kết luận chính xác thì cần phải có đoàn khoa học khảo sát, nghiên cứu mới đưa ra được nguyên nhân.
"Sở đang xem xét, cử cán bộ về khu vực trên để tìm hiểu, khảo sát và tiến hành nghiên cứu hiện tượng kỳ lạ này", ông Thường cho biết.
Từng giải thích hiện tượng trên, ông Hồ Hữu Như, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Phú Yên nói, hiện tượng nước tự phun trào nói trên là do áp lực tự nhiên. Trước đây, trung tâm từng khoan thăm dò để xây dựng các công trình cấp nước cho nhân dân ở hai xã An Hòa và An Mỹ (huyện Tuy An) cũng có hiện tượng nước tự phun lên.
Sáu năm trước, tổ chức JICA (Nhật Bản) từng khảo sát, đánh giá khu vực xã An Mỹ, huyện Tuy An, nằm trên một dải nước ngầm lớn. Nhiều khả năng các giếng nước tự phun trào nói trên nằm trong khu vực này.
Thuận Phong (tổng hợp)