Nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, các bạn trẻ đã bày tỏ những suy nghĩ của riêng mình về ngày lễ trọng đại này trong ngày vui thống nhất.
Trong chiều dài lịch sử dân tộc, ngày 30/4/1975 là một cột mốc vĩ đại. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc chiến tranh vĩ đại chống đế quốc Mỹ xâm lược, tạo ra một bước ngoặt đặc biệt đối với đất nước, mở ra một kỷ nguyên mới đối với nước ta - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trải qua 40 năm, đất nước ta đã có nhiều sự đổi khác, nhưng những bài học về lịch sử vẫn còn đọng lại trong trái tim của mỗi người con Việt Nam.
Nhân sự kiện đặc biệt này, PV báo Người Đưa Tin cũng đã phỏng vấn một số bạn trẻ để xem xem các bạn có cảm nhận, suy nghĩ như thế nào về những gì mà cha ông ta đã cống hiến trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Bạn Ngọc Quý Hà (Sinh viên năm cuối ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) chia sẻ:
“Cuộc chiến tranh Việt Nam đã chứng tỏ tinh thần đoàn kết của người Việt Nam trước sự hùng mạnh của các nước xâm lược. Con người Việt Nam đã thể hiện được ý chí bất khuất và không khuất phục trước các đế quốc đó. Sau 40 năm, đất nước đã phát triển hơn, con người cũng vậy.
Thử tưởng tượng nếu không có biến cố 30/4 thì có lẽ bây giờ chúng ta đã là một nước thuộc địa, và không còn nhận được sự nể trọng nào từ các nước khác.
Ngọc Quý Hà (Sinh viên năm cuối ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) |
Nhân ngày lễ kỷ niệm này, Mình cám ơn và biết ơn các cô chú, anh chị đã hi sinh cũng như làm tất cả mọi thứ vì đất nước trong chiến tranh để mình nói riêng và con người Việt Nam nói chung có được ngày hôm nay.
Để cống hiến cho đất nước, mình sẽ cố gắng học tập, học hỏi thật nhiều thứ để góp phần nhỏ vào công cuộc xây dựng một đất nước giàu mạnh do dân và vì dân”.
Bạn Nguyễn Ngọc Sơn (Sơn Paris) sinh viên Học viện Ngoại giao cảm nhận về con người, đất nước Việt Nam trong và sau 40 năm chấm dứt cuộc chiến tranh:
“Ngày 30/4 là ngày cả dân tộc Việt Nam ca khúc khải hoàn. Người Việt Nam, ai từng sống trong những năm tháng chiến tranh, đất nước chia cắt, bom rơi đạn nổ, mong manh sự sống và cái chết, càng thấm thía ý nghĩa của giây phút lá cờ giải phóng tung bay trên Dinh Độc Lập. Sau 40 năm kháng chiến trường kỳ, hy sinh gian khổ, cái đích mà cả dân tộc phấn đấu hy sinh đã thực sự trở thành hiện thực.
Nguyễn Ngọc Sơn (Sơn Paris) sinh viên Học viện Ngoại giao |
Đã 40 năm trôi qua, hơn 1/3 thế kỷ là khoảng thời gian cần thiết để chúng ta càng nhận ra ý nghĩa vĩ đại của chiến thắng 30/4/1975. Dân tộc Việt Nam bước tới những thành công đáng nể, đó là sự nỗ lực, cố gắng của hàng triệu người Việt, luôn mang trong mình khát khao được chinh phục thế giới, không cam lòng chịu đựng cảnh nghèo khó, lạc hậu.
Tôi không phải một nhà tiên tri để biết được tương lai dân tộc sẽ phát triển như thế nào trong lương lai và sẽ ra sao nếu không có cuộc chiến ngày ấy, nhưng tôi hiểu, sự thịnh vượng bây giờ là nhờ vào những khắc khổ, đau đớn trước kia.
Tôi không nghĩ tới những điều quá to tát, tôi luôn nỗ lực sống đẹp, sống ý nghĩa. Đơn giản từ những việc ai cũng nghĩ quá bé nhỏ, hoặc chẳng xá gì, như đừng vứt rác ra đường phố, yêu thương lấy đồng loại, xa rời mọi hủ tục, thói hư tật xấu. Nếu ai cũng ý thức được điều đó, thì tôi tin Việt Nam sẽ chẳng thua kém bất cứ một quốc gia nào.
Tôi muốn ngả đầu trước những người anh hùng đã hy sinh cho dân tộc. Màu áo đỏ mang hình cờ Tổ quốc vẫn thấm đầy công ơn to lớn của các anh”.
Cao Thùy Linh, sinh viên trường ĐH Kinh tế Quốc Dân mong muốn góp sức mình xây dựng bảo vệ tổ quốc:
“Lịch sử Việt Nam cùng bề dày truyền thống dựng nước và giữ nước lâu đời từ lâu đã trở thành một dấu ấn đậm nét của Việt Nam. Từ ngày Văn Lang Âu Lạc cho đến thế kỷ 20, Việt Nam đã trải qua hàng trăm hàng ngàn cuộc chiến cam go quyết liệt để giữ lấy non sống đất nước.
Và cùng với truyền thống yêu nước, các cuộc chiến tranh Việt Nam thể hiện được sự dũng cảm, mạnh mẽ kiên cường của người Việt Nam. Việt Nam chính thức hoàn toàn độc lập Bắc Nam một nhà từ tháng 4/1975. Đây là một mốc son chói lọi đánh dấu một bước ngoặt lớn đối với lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Từ sau 30/4/1975, Việt Nam đã thống nhất non sông, không còn phải sống dưới bom rơi đạn nổ, không còn phải chịu bất cứ một ách thống trị của một đế quốc thực dân nào. Đã 40 năm kể từ khi cuộc chiến chấm dứt, đến giờ Việt Nam đã trở thành một nước tiến bộ, đang trên đà phát triển và đi lên XHCN, có nhiều đổi mới, hội nhập. Cùng với sự phát triển của đất nước, đời sống của con người cũng ngày một cải thiện, đại đa số không còn phải lo đến vấn đề thiếu ăn thiếu mặc, mà giờ đây đã có điều kiện hơn, mức sống tăng cao, và cũng chính vì thế thế hệ trẻ ngày nay được ngày một đầu tư, nuôi dưỡng trong môi trường ngày một tốt đẹp hơn, có cơ hội được phát triển bản thân hơn.
Cao Thùy Linh, sinh viên trường ĐH Kinh tế Quốc Dân |
Là một người thanh niên trẻ, một chủ nhân tương lai của đất nước, không chỉ tôi mà tất cả các bạn sinh viên, học sinh đều mong muốn sẽ đóng góp không nhiều thì ít sức lực của mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Là những tri thức trẻ, chúng tôi mong muốn được đóng góp vào sự nghiệp nghiên cứu khoa học, kinh tế và xã hội của đất nước, góp phần làm nâng cao văn hóa cho xã hội, đông thời mang lại vinh quang cho trí tuệ Việt.
Chiến tranh đã qua đi, hòa bình đã được lập lại. Và ngày nay chúng ta đang sống và có vinh dự được hưởng những quyền lợi, những sự hạnh phúc, tự do đó là nhờ có các bậc cha ông đi trước đã kiên cường, anh dũng chiến đấu ngày đêm, hy sinh thân mình để bảo vệ nước nhà. Do đó, tôi vô cùng biết ơn và luôn luôn nhớ tới sự hy sinh cao cả đó, từ đây phấn đấu rèn luyện bản thân để góp phần xây dựng đất nước ngày một phát triển, tươi đẹp hơn nữa”.
Bạn trẻ Võ Thanh Hiền (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã có những cảm nghĩ đầy xúc động trong ngày lễ kỷ niệm trọng đại này:
“Cuộc chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến đẫm xương máu và nước mắt của nhân dân Việt Nam, một cụôc chiến tranh để lại những vết thương muôn đời lên thể xác và tâm hồn người Việt Nam, nghĩ đến cuộc chiến tranh đầy cam go và vĩ đại ấy, tôi thấy yêu thêm dân tộc mình, yêu thêm sức sống tiềm tàng của con người Việt Nam, yêu gia đình và yêu bản thân mình hơn bao giờ hết.
Đất nước, con người Việt Nam hiện tại là một kỷ nguyên văn mình, hòa bình, phát triển, chứ không còn là bi thương và bom đạn nữa, có được Việt Nam hôm nay là máu xương của biết bao con người anh hùng dâng hiến cho Tổ quốc, cho sự sống của đồng bào, đồng chí mình, tôi tự hào về Việt Nam hôm nay, một Việt Nam ngày càng đổi mới, hoàn thiện.
Tôi không dám tưởng tượng nếu không có biến cố 30/4 thì giờ đây tôi và chúng ta như thế nào nữa. Nhưng tôi tự tin rằng kể cả không phải là cuộc tiến công 30/4 thì cũng sẽ là một cuộc tổng tiến công không xa khác và chúng ta vẫn sẽ giành độc lập, tôi luôn tự hào về sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta.
Võ Thanh Hiền (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) |
Tôi đang sống với những đam mê và lý tưởng của bản thân, sống hết mình, cống hiến hết sức và không ngừng hoàn thiện bản thân để trở thành công dân có ích, tránh xa thói hư tật xấu và tệ nạn xã hội để đất nước không còn gánh nặng, và mình đang từng ngày đóng góp từng chút từng chút một công sức của bản thân vào sự nghiệp xây dựng đất nước.
Trong ngày lễ trọng đại này, xin gửi câu tưởng nhớ: "Anh bộ đội ánh sao trên mũ, mãi mãi là sao sáng dẫn đường" Tổ quốc Việt Nam, dân tộc Việt Nam đang đi lên bằng máu xương của cha anh, nhân dân Việt Nam "nợ" cha anh muôn vàn lời cảm ơn sâu sắc”.
Bạch Dương