GPS hoạt động trên toàn thế giới với sự trợ giúp của 24 vệ tinh. Trên thực tế, để vận hành và duy trì các vệ tinh, mỗi năm, chính phủ Mỹ đã phải bỏ ra 750 triệu USD, tức là khoảng 2 triệu USD/ngày chưa kể chi phí ban đầu.
Theo chính phủ nước này, không có cá nhân nào thu được lợi nhuận từ GPS, nhưng hệ thống định vị này có thể giúp họ tránh cũng như giảm được thiệt hại, hỗ trợ công cứu hộ, cứu nạn khi chẳng may xảy ra thiên tai hoặc thảm họa thiên nhiên.
Ngoài ứng dụng trong quân sự, GPS còn được dùng để dẫn đường cho các tàu bay trên trời, tàu vận tải trên biển, các máy nông nghiệp không người lái trên những cánh đồng bạt ngàn, thậm chí là dẫn đường cho những chiếc xe hơi tự lái trong tương lai,…
GPS còn là chiếc đồng hồ chuẩn mực của thế giới. Mỗi vệ tinh trong hệ thống GPS có một chiếc đồng hồ nguyên tử - thiết bị đo thời gian chính xác nhất thế giới với sai lệch không quá 1/1.000.000.000 (một phần tỷ) của một giây.
Thời gian do các vệ tinh GPS cung cấp là đầu vào thiết yếu cho hoạt động của các sàn giao dịch chứng khoán, máy ATM, thẻ tín dụng, …
Không quá khi nói rằng GPS là một trong những trụ cột không thể thiếu của nền kinh tế toàn cầu hiện đại.
Việc Mỹ cung cấp miễn phí GPS cho toàn thế giới không làm thay đổi thực tế rằng hệ thống định vị tối quan trọng này vẫn hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của Mỹ.
Mỹ có thể dừng cung cấp dịch vụ này cho bất cứ ai, bất cứ ở đâu và bất cứ khi nào mà Mỹ muốn. Chẳng hạn khi Pakistan và Ấn Độ giao tranh biên giới ác liệt năm 1999, Mỹ đã cắt đường truyền dữ liệu GPS cho Ấn Độ. Tại Iraq, quân đội Mỹ cũng phá sóng GPS để cản trở đối phương.
Vì lo ngại này, các cường quốc trên thế giới đều dốc sức phát triển một hệ thống định vị của riêng mình.
Nước Nga có hệ thống 24 vệ tinh định vị toàn cầu với tên Glonass. EU có hệ thống 22 vệ tinh với tên Galileo. Ấn Độ có hệ thống 7 vệ tinh để xác định vị trí trong phạm vi biên giới đất liền của nước này.