(Tinmoi.vn) "Sự thật là chiếc bằng đó chẳng mấy hữu dụng và cách tốt nhất để kiếm được một vị trí như ý nhiều khi là đưa những chiếc phong bì cộm tiền cho những vị thủ trưởng, hoặc có người thân làm to", GS Pierre Darriulat nhận định trong một bài viết.
Mới đây, Giáo sư Pierre Darriulat - một nhà vật lý hàng đầu quốc tế đã có bài viết phản ánh thực trạng của giáo dục Việt Nam, trong đó ông cho rằng giới trẻ Việt Nam cần phải dũng cảm nhìn vào sự thật.
Theo ông Pierre Darriulat, lớp trẻ ngày nay không có nhiều người theo đuổi các ngành KH-CN, một phần do các tổ chức học thuật trong nước vô cùng thụ động trong các hoạt động quảng bá cho khoa học và hỗ trợ sự phát triển của thế hệ trẻ.
Tại các trường đại học ở Hà Nội, nhiều sinh viên uổng phí bốn năm học chỉ để làm một việc là quên lãng dần những kiến thức phổ thông bởi các trường đại học không nghiêm túc kiểm soát chất lượng kiến thức của người học nhưng vẫn cấp bằng, điểm số được chấm một cách dễ dãi, năng lực và tài năng của sinh viên không được đánh giá một cách đúng mực. Vì vậy, những người có hiểu biết đều thiếu niềm tin vào chất lượng cũng như năng lực của các trường đại học trong nước tới nỗi họ tìm mọi cách gửi con cái mình đi du học.
Theo ghi nhận của ông qua những năm công tác ở Việt Nam, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp lại khăn gói lên đường tầm sư học đạo xứ người, chắc mẩm rằng cứ đi du học là tự khắc sẽ giỏi, nhưng khi đối diện với thực tế đã vỡ mộng ra sao. Sự thật, là tình trạng chảy máu chất xám đang diễn ra gay gắt. Tất cả những công sức đầu tư của các gia đình và cả Nhà nước gửi người đi đào tạo ở nước ngoài rốt cuộc trở thành lãng phí vì chúng ta không khai thác sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực đó.
Ông Pierre Darriulat cho rằng, lâu nay nhiều người kêu ca rằng sở dĩ nền nghiên cứu của Việt Nam khó cất cánh được là vì thiếu thiết bị nghiên cứu nhưng sự thật những thiết bị quan trọng do các cơ quan nghiên cứu mua, hoặc do nước ngoài tài trợ đều bị đắp chiếu vì không có người đủ năng lực khai thác, sử dụng.
Về vấn đề bằng cấp và đạo đức, ông Pierre Darriulat cho rằng, tấm bằng đại học lẽ ra phải là bàn đạp phát triển cho giới trẻ hòa nhập vào giới tinh hoa của nước nhà, là nền tảng xây dựng tương lai đất nước nhưng thực tế tiền lương công nhân viên chức không đủ để họ nuôi gia đình, nên họ phải bươn chải làm ngoài để sinh tồn. Như vậy, sự thật là chiếc bằng đó chẳng mấy hữu dụng và cách tốt nhất để kiếm được một vị trí như ý nhiều khi là đưa những chiếc phong bì cộm tiền cho những vị thủ trưởng, hoặc có người thân làm to.
Từ đó, ông Pierre Darriulat nhận định: “Sự thật, là chúng ta phải xây dựng lại từ đầu một hệ thống trường đại học Việt Nam đáp ứng nhu cầu của tương lai. Việc che giấu những khuyết điểm như chúng ta vẫn làm trong suốt những thập kỷ qua sẽ không đi tới đâu cả.
Chúng ta phải có can đảm để đối diện với sự thật. Vấn đề không phải là đổ lỗi cho ai đó, bởi có quá nhiều tác nhân lịch sử dẫn tới tình trạng như hiện nay. Người duy nhất có lỗi ở đây là người chối bỏ sự thật”.
P.V (lược trích)