Những ngày Hà Nội rét đậm, người nông dân trồng đào đã phải nghĩ ra hàng chục cách để chống rét cho đào.
Những ngày vừa qua nhiệt độ Hà Nội có lúc xuống thấp đến 9 độ C, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt của người dân. Riêng với những người trồng đào, nhất là đào cổ thụ, đào thất thốn đã phải nghĩ ra hàng chục cách để chống rét cho những gốc đào với mong muốn hoa nở đúng dịp.
Trao đổi với chúng tôi, một chủ vườn đào cổ thụ nằm trên đường Võ Nguyên Giáp cho hay: "Nếu như đào trồng dưới đất thì ấm hơn so với đào cổ thụ, đào thế đưa lên chậu, chính vì vậy với thời tiết lạnh dưới 15 độ C phải tìm cách chống rét để hãm lại nở đúng dịp Tết cổ truyền".
Theo ghi nhận tại đất Nhật Tân, tại trang trại trồng đào thất thốn của nghệ nhân Lê Hàm nhiều ngày vừa qua đã phải sử dụng điều hòa công suất lớn cho những gốc đào trị giá từ vài chục triệu đến ngót trăm triệu. Riêng những gốc đào thế, đào cổ thụ tại một vườn khác nông dân phải bọc kín nilon, thắp đèn sợi đốt, che kín gió...
Những ngày Hà Nội lạnh giá, vườn đào thất thốn của nghệ nhân Lê Hàm đã phải sử dụng nhiều phương pháp chống rét cho hàng chục gốc đào trị giá hàng tỷ đồng của mình. Theo nghệ nhân Lê Hàm cho biết, bản thân gia đình đã phải đầu tư hàng trăm triệu đồng để dựng nhiều nhà tôn, lắp điều hòa 2 chiều, máy sưởi, hệ thống cách nhiệt.
Những gốc đào thất thốn có giá trị cao, hầu hết dịp Tết đều cho thuê chứ không bán nên việc đầu tư nhiều loại máy móc, dụng cụ chống rét cho đào tiêu tốn hàng trăm triệu nhưng ông chủ vẫn phải chấp nhận.
Mỗi căn nhà tôn đều được lắp 1-2 chiếc điều hòa 2 chiều công suất lớn, nếu quá lạnh sẽ bật chế độ sưởi ấm, còn nếu thời tiết quá nóng sẽ phải bật chế độ làm lạnh.
Được biết, từ nhiều năm nay việc chống rét, chống nóng cho đào đã được ông thực hiện với mong muốn những gốc đào đơm hoa đẹp, đúng dịp Tết phục vụ giới nhà giàu.
Có mặt tại một vườn đào thế trên đường Võ Chí Công, nhiều ngày nay chủ vườn đào này đã phải sử dụng nhiều biện pháp chống lạnh cho hàng trăm gốc đào bằng việc bọc nilon kín, thắp đèn sợi đốt.
Theo chia sẻ của những người có kinh nghiệm, với những gốc đào thế đưa lên chậu có sức đề kháng với thời tiết kém hơn so với những gốc trồng dưới ruộng nên phải bọc nilon để chồi không bị héo, chột.
Bằng kinh nghiệm lâu năm, chủ những vườn đào này biết cây nào phải bọc nilon, cây nào không cần bọc. "Nếu những gốc đã bung chồi thì không cần nhưng với những gốc chưa bung chồi dịp này thì cần chống rét", chủ vườn chia sẻ.
Thậm chí, với những gốc đào nụ chưa hé buộc người nông dân phải thắp thêm một bóng đèn sợi đốt dưới gốc tạo nhiệt cho đào.
"Những gốc đào thế, đào cổ thụ thế này có giá không dưới 10 triệu, chính vì vậy chúng tôi phải cố gắng để chăm sóc chứ không khó lòng ăn Tết ngon", ông chủ vườn chia sẻ.
Tiền mua nilon không đáng là bao, nhưng quan trọng là cách chăm sóc bởi nếu lơi là và chủ quan sẽ để lại hậu quá khó lường.
Cận cảnh những cành đào sau 5 ngày bọc nilon chống rét đã bắt đầu nhú lộc.
Thậm chí, thời điểm này người dân phải "nín thở" chờ đào, đêm không dám ngủ ở nhà mà phải dựng lều canh đề phòng mất trộm.
Những gốc đào được quấn chặt, gần như không có kẽ hở nhằm đem lại hiệu quả cao nhất, mong bung hoa đúng dịp Tết.
Với nhiều gốc bắt đầu bung nụ, đơm hoa hiện tại đã có người đặt mua hoặc thuê chơi Tết. Theo chủ một vườn đào, dù có người đặt mua nhưng vẫn phải chăm sóc chu đáo, cẩn thận cho khách chơi Tết.
Nếu trong ít ngày tới, việc ủ ấm cho đào thành công, bung nụ, lộc như ý muốn và được thời tiết ủng hộ nông dân sẽ gỡ bỏ nilon để cây đào phát triển bình thường.