Tại hội thảo về giao thông công cộng do Bộ Giao thông Vận tải phối hợp Bộ Hạ tầng, đất đai và giao thông Hàn Quốc tổ chức sáng 21/6 tại Hà Nội, nhiều ý kiến đã đồng thuận với chủ trương, thực hiện việc thu hồi xe máy cũ nát từ 1/1/2018.
Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Tuổi trẻ |
Theo thông tin tren Tuổi trẻ, VnExpress, vào chiều ngày 21/6, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, vào tháng 7 tới, cơ quan này sẽ trình HĐND thành phố đề án Quản lý phương tiện giao thông, trong đó đề xuất các phương án thu hồi xe máy cũ trên địa bàn.
Ông Viện cho hay, Chính phủ có lộ trình thu hồi xe máy cũ nát từ 1/1/2018. Tuy nhiên, hiện Bộ Giao thông vẫn chưa có quy định tiêu chuẩn về khí thải, niên hạn xe máy nên chưa có đủ tính pháp lý để thu hồi. Vì vậy, trong năm nay, Hà Nội sẽ tiến hành rà soát trên 5 triệu xe máy đang lưu hành và thống kê những xe máy cũ nát theo niên hạn, sau đó phối hợp với Bộ giao thông đưa ra quy định về tiêu chuẩn xe máy cần thu hồi.
"Nếu Bộ Giao thông vẫn chậm trễ đưa ra quy định về tiêu chuẩn xe máy cũ cần thu hồi thì Hà Nội sẽ đề xuất Chính phủ cho phép thí điểm dựa trên các đánh giá, vì thành phố được thực hiện một số cơ chế đặc thù theo Luật thủ đô", ông Viện nói.
Cũng theo ông Viện, nhiều ý kiến đã đồng thuận với chủ trương, thực hiện việc thu hồi xe máy cũ nát từ 1/1/2018.
Về lộ trình cấm xe máy vào năm 2030, ông Viện cho biết, sau khi nghiên cứu kinh nghiệm từ các nước trong khu vực như ở Trung Quốc, Myanmar, Indonesia... với lộ trình dừng hoạt động xe máy trong nội đô từ 5 - 10 năm, Hà Nội đã lựa chọn lộ trình 13 năm và từ nay tới năm 2030 sẽ cấm xe máy tại khu vực nội đô.
Ông Viện cho hay, việc đưa ra lộ trình cấm xe máy, nhằm xây dựng các kế hoạch đáp ứng điều kiện khi dừng hoạt động xe máy phải có phương tiện công cộng khác thay thế cho người dân đi lại.
Ông Viện khẳng định, cơ quan chức năng sẽ đặt mục tiêu xây dựng thói quen giảm dần việc di chuyển bằng xe máy cho người dân, tương ứng với đó là đầu tư phát triển của hệ thống giao thông công cộng, như kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống xe buýt nhanh, buýt thường, đường sắt trên cao, tàu điện ngầm...
Đức Hòa (tổng hợp)