Qua kiểm tra bảng chữ cái, khi 2 học sinh này không đọc và nhớ được chữ, nhà trường đã kết luận và xếp 2 em học sinh học chậm vào diện “trẻ thiểu năng trí tuệ”.
Theo thông tin từ VietNamnet cho biết, sự việc diễn ra tại trường tiểu học Phú Phong, xã Phú Phong, Hương Khê, Hà Tĩnh.
Chỉ dựa vào kết quả khám qua loa ở trạm y tế, nhà trường đã kết luận học sinh bị thiểu năng. Ảnh: Dân trí |
Hai học sinh là Nguyễn Trọng Đức (học lớp 4) và Nguyễn Thị Hạnh (học lớp 2) đã bị nhà trường xếp vào nhóm "thiểu năng trí tuệ" sau buổi khám qua loa của trạm y tế xã.
Theo đó, ngày 13/10/2015, trường tiểu học Phú Phong và trạm y tế xã đã có sự phối hợp để khám cho học sinh của trường. Sau khi khám xong em Hạnh và Đức bị kết luận là "thiểu năng trí tuệ" do không đọc và nhớ được chữ cái.
Sự việc trên khiến gia đình cháu Đức và Hạnh vô cùng bức xúc. Mặc dù anh Nguyễn Trọng Thảo (bố của hai em Đức và Hạnh) bị mù chữ và mẹ hai em biịcận bẩm sinh nên không thể dạy các em học. Bản thân hai em cũng học kém hơn so với bạn bè cùng trang lứa nhưng không đến mức thiểu năng như nhà trường kết luận.
Trên Dân trí, Anh Nguyễn Trọng Hòa (chú của hai em Đức Và Hạnh) cho biết: “Các cháu của tôi học có kém hơn so với các bạn trong lớp, đọc hơi kém một chút nhưng các cháu rất nhanh nhẹn, hòa đồng. Sau các buổi đi học ở nhà các cháu đều phụ giúp bố mẹ làm các công việc trong gia đình”.
Với kết luận trên của nhà trường và trạm y tế xã, anh Nguyễn Trọng Thảo rầu rĩ: “Tôi buồn lắm khi nghe tin nhà trường nói con tôi là trẻ thiểu năng. Vì mọi việc vặt ở nhà hai đứa đều bảo ban nhau làm, không cần bố mẹ nhắc nhở. Chúng cũng rất ngoan ngoãn và nghe lời”.
Trước sự việc trên gia đình anh Thảo đã làm đơn nhờ các cơ quan chức năng làm rõ vụ việc.
Trả lời trên Dân trí, ông Nguyễn Kim Cát - Trạm trưởng trạm y tế xã Phú Phong, người trực tiếp khám cho hai em Đức và Hạnh cho biết: “Lúc khám cho 2 cháu, tôi chỉ dựa vào bảng chữ cái, kiểm tra xem hai cháu có biết đọc và nhớ được chữ cái không. Nhưng không nhớ được nên tôi kết luận như vậy”.
Về phía nhà trường, trên VietNamNet, cô Võ Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Giáo viên chủ nhiệm bày vẽ cho hai em, nhưng bày trước quên sau, các em không nhớ được các mặt chữ. Khi các cô chủ nhiệm trao đổi với tôi về vấn đề không nhớ mặt chữ của 2 em, tôi là hiệu trưởng đã dành ra 2 buổi để xem các em có tiến bộ được tí nào không. Nhưng các em không hề biết một chữ gì cả”.
“Sau gần một kì học bày dạy không tiến bộ, tôi mới nghĩ lập hồ sơ khuyết tật cho các em. Mục đích lập vào trẻ khuyết tật là vì thương các em, muốn các em không chịu áp lực trước việc học” - Cô Hương nói.
Lê Vy (tổng hợp)