Thời gian gần đây, trên thị trường xuất hiện một loại bột “lạ” có màu trắng được các tiểu thương, đặc biệt là những người bán nước dừa sử dụng nhiều. Điều đặc biệt, là loại bột này không có mùi và có thể tẩy trắng được cả... vải.
Bột “lạ” làm trắng siêu tốc
Thông tin khiến người tiêu dùng bất an: Để làm trắng dừa, chỉ cần một thìa nhỏ thứ bột màu trắng, mịn như bột mì, hòa tan trong nước và ngâm dừa vào nước khoảng 2 phút thì những trái dừa dù lột vỏ từ lâu đều trở nên trắng tinh, không bị thâm đen. Màu trắng của trái dừa được giữ trong nhiều ngày. Vậy, loại bột thần kỳ đó là gì, được bán ở đâu?
//
Video: Tràn lan dừa ngâm hóa chất tẩy trắng.
Để tìm hiểu về nguồn gốc loại bột này, PV báo ĐS&PL có mặt tại nhiều con phố ở TP.HCM. Tiếp cận những xe bán dừa dạo, theo ghi nhận, phía dưới xe có một thùng xốp chứa một loại nước đục trắng. Mỗi lần gọt dừa xong, người bán lại ngâm trái dừa vào nước này khoảng 2 phút rồi lấy ra. Cũng theo những người bán dừa dạo, họ mua loại hóa chất này từ đầu mối bỏ dừa và không biết đó là hóa chất gì.
Bột “lạ” tẩy trắng được PV mua tại chợ Kim Biên. |
|
PV tiếp tục tìm đến các mối bỏ dừa cho các xe bán lẻ và nhiều quán giải khát trên đường Bắc Hải (quận 10, TP.HCM). Một chủ đầu mối cho biết, hàng ngày đầu mối này bỏ sỉ hàng nghìn trái dừa cho những điểm bán lẻ. Khi PV ngỏ ý muốn mua dừa để về kinh doanh, người này cho hay, nếu mua nhiều và lâu dài sẽ mang đến tận nơi.
PV tỏ vẻ băn khoăn là tại sao trái dừa khi gọt ra, dù đã ngâm vào nước phèn chua như một số người vẫn làm, nhưng chỉ để được từ sáng đến trưa trái dừa đã chuyển sang màu đỏ và thâm đen. Lúc này chủ mối dừa đưa cho PV một gói bột màu trắng cùng lời giới thiệu: “Phèn chua chỉ làm cho trái dừa trắng tạm thời, còn muốn để lâu thì phải dùng thuốc này”.
Cũng theo người này, để có thể mang lại tác dụng nhanh nhất nên mua hai loại bột trộn với nhau. Nói rồi người bán đưa cho PV hai gói nilon, một gói đựng loại bột mịn như bột mì, còn một gói đựng loại bột hạt to như bột ngọt.
Hàng chục trái dừa trắng tinh sau khi gọt vỏ vì được ngâm vào bột “lạ”. |
|
“Chỉ cần cho một thìa cà phê hai thứ bột này hòa trong thùng nước, ngâm dừa đã lột vỏ trong đó thì em để dừa thoải mái cũng không bị thâm”, người bán cho biết. Khi được chất vấn đó là loại bột gì, có độc hại không? Người bán trấn an: “Không sao đâu, mình chỉ cho một lượng nhỏ thôi. Bột này được đóng trong bao 5kg, tên là gì thì không biết. Người ta còn cho bột này vào nước ngâm làm trắng nhiều loại thực phẩm khác”.
Bất ngờ với tiết lộ này, PV tìm đến nhiều chợ bán thực phẩm trên địa bàn TP.HCM như: Chợ An Đông (quận 5), chợ Nhật Tảo, chợ Nguyễn Tri Phương, chợ Chuồng Bò (quận 10), chợ Bình Điền (huyện Bình Chánh)... để tìm hiểu thông tin. Theo ghi nhận, các loại gà, vịt làm sẵn da đều trắng phau sạch sẽ, mâm lòng lợn trắng bắt mắt. Các loại củ như su hào, khoai tây, các loại đậu, dưa cà... cũng tương tự. Một tiểu thương cho biết: “Ngoài những loại rau, củ không cần dùng các chất tẩy trắng, đa phần các thực phẩm đều dùng đến hóa chất để chống ươn, tạo độ dai và trắng sạch”.
Tẩy trắng được cả... vải
Bà Trình Ngọc Tâm (một người bán hải sản tại chợ Bình Điền) cho biết: “Bột tẩy trắng thực phẩm được bán đầy ngoài chợ Kim Biên (quận 5). Muốn thực phẩm trắng chỉ cần cho một lượng nhỏ bột hòa với nước và ngâm thực phẩm khoảng 20 phút thì vớt ra. Nhưng những loại bột phải ngâm lâu như thế xưa rồi, giờ người tay dùng loại bột đường tẩy trắng siêu tốc (nói bột đường bởi nó có dạng bột, trắng như đường), chỉ cần ngâm khoảng hơn một phút rồi vớt ra là được như ý. Tiểu thương thường làm những việc này ở nhà trước khi mang hàng ra chợ, vì nếu phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm”.
Gây ung thư? Theo bác sỹ Vũ Đình Sơn, Trưởng phòng Y tế, sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. HCM: “Hiện chưa có ghi nhận chính thức một chất nào làm trắng dừa siêu tốc như dư luận phản ánh. Tuy nhiên, rất có thể những người bán dừa đã sử dụng chất Natri hiđroxit (công thức hóa học là NaOH), được giã nhuyễn thành dạng bột. Chất NaOH được sử dụng nhiều trong các ngành công nghiệp như giấy, dệt nhuộm, xà phòng và chất tẩy rửa. Khi được hòa tan trong nước với một lượng nhỏ, chất này bị loãng ra nên không thấy được tác dụng ảnh hưởng tức thì của nó. Nhưng lâu dài, nó có thể gây đột biến các tế bào vú dẫn đến ung thư vú, hủy hoại các bộ phận màng nhầy, hệ hô hấp, da. Các hóa chất công nghiệp nói chung dùng tẩy trắng dừa, hay thực phẩm nếu dùng không đúng liều lượng, khi bị hấp thu vào cơ thể có thể gây đau bụng, buồn nôn, thậm chí có thể gây ung thư”. |
Để tận mắt kiểm tra “chất lượng” của loại bột tẩy trắng thần tốc này, PV đến chợ Kim Biên tìm mua và được người bán đưa cho hai bịch loại 1kg (một bịch bột trắng mịn, một bịch có hạt nhỏ), không nhãn mác, giá 72 ngàn đồng. Khi PV thắc mắc, người bán tỏ ra hiểu biết: “Loại mịn là bột lưu huỳnh, bịch dạng hạt là chất Hydrogen Peroxide. Nếu trộn chung với nhau thì cả vải cũng có thể tẩy trắng chứ đừng nói thực phẩm”. Cũng theo người bán hàng, nếu trộn thêm axit clohydric thì có thể tẩy được cả vỏ trứng gà công nghiệp từ màu nâu sang màu trắng hồng như trứng gà ta.
Để kiểm chứng, PV mua hai bịch về thử nghiệm. Người bán hàng dặn thêm, nếu những trái dừa non thì nhúng vào lấy ra ngay, đừng ngâm quá lâu, nếu không, nước trong trái dừa sẽ có mùi như bị thiu.
PV hỏi: “Thế bột này ngấm được cả vào trong nước của trái dừa hay sao?”. Người bán hàng trả lời: “Chỉ những trái dừa non thôi, vì sọ của trái dừa mềm nên ngâm lâu sẽ ngấm vào trong và làm cho nước dừa có mùi khó chịu”. Mang hai thứ bột về nhà, PV liền hòa một thìa nhỏ hai loại bột vào chậu nước, cho mảnh vải trắng đã chuyển màu cũ ngâm vào trong chậu nước. Chỉ sau 5 phút, mảnh vải đã được tẩy trắng tinh.
Trao đổi với PV, GS.TS Trần Văn Sung, nguyên Viện trưởng viện Hóa học - viện Hàn lâm KH&CN cho biết: “Việc sử dụng hóa chất một cách tự phát để tẩy trắng dừa là rất nguy hiểm, ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe con người. Các hoá chất như Hydrogen Peroxide, Magnesium Sunlfate hay Sulfur Dioxide và Psychotrine... đều là những hoá chất công nghiệp mà người kinh doanh sử dụng nhiều nhất. Việc sử dụng hoá chất tẩy trắng một cách bừa bãi trong chế biến thực phẩm rất có hại cho sức khoẻ”.
Để tìm hiểu thông tin về loại bột “lạ” trên, PV báo ĐS&PL đã liên hệ làm việc với viện Công nghệ hóa học TP.HCM, một đại diện Viện này lại trả lời: “Viện không chuyên về lĩnh vực này... nên không trả lời chính xác được”. Sau đó, vị đại diện giới thiệu PV sang Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (TP.HCM) để tìm hiểu. Tuy nhiên, một nhân viên của Trung tâm này thông báo: “Người đứng đầu trung tâm đang bận công tác”!
Theo Đời sống & Pháp luật