Thông tin mới nhất trên Vietnamnet và Người lao động cho hay liên quan đến vụ cháy ở Công ty Rạng Đông khiến dư luận xôn xao, mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ công an đẩy nhanh tiến độ điều tra.
Cụ thể, Văn phòng Chính phủ mới đây đã có văn bản thông báo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc xử lý hậu quả của vụ cháy.
Trước đó, ngày 9/9, hai Phó Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp với sự tham gia của đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TNMT) và Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, UBND TP Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Hai Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng làm rõ phạm vi, giới hạn khu vực ô nhiễm môi trường, mức độ ô nhiễm; làm rõ nguyên nhân để xảy ra cháy, trách nhiệm liên quan; đề ra các biện pháp khắc phục; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng khẩn trương triển khai các giải pháp kịp thời ứng phó sự cố; tổ chức theo dõi, thăm khám sức khỏe kịp thời cho người dân trong khu vực bị ảnh hưởng của sự cố.
UBND TP Hà Nội cũng đã chủ động phối hợp với Bộ Thông tin truyền thông nhằm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, thống nhất với Bộ TNMT, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam kịp thời ra khuyến cáo áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng ngừa, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân khu vực bị ảnh hưởng do sự cố.
Bộ Công thương đã tăng cường công tác quản lý nhà nước về vấn đề nhập khẩu, quản lý và sử dụng hóa chất, cung cấp thông tin, số liệu về nhập khẩu, sử dụng hóa chất thủy ngân và hàm lượng thủy ngân có trong bóng đèn huỳnh quang, compact của Công ty Rạng Đông, gửi Bộ TN-MT, UBND TP Hà Nội.
Bộ Tài chính cũng đã cung cấp cho UBND TP Hà Nội và Bộ TN-MT thông tin về khối lượng thủy ngân lỏng và viên Amalgam được Công ty Rạng Đông nhập khẩu về làm nguyên liệu sản xuất.
Phía Bộ Y tế đã chủ trì và phối hợp với UBND Hà Nội đánh gia phạm vi cũng như mức độ ô nhiễm có ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Đồng thời xây dựng chương trình theo dõi, khám sức khỏe thường xuyên và định kỳ đối với những người dân trong khu vực bị ảnh hưởng.
Bộ TNMT vẫn tiếp tục Hà Nội thực hiện các khảo sát, đánh giá phạm vi và mức độ ô nhiễm môi trường để yêu cầu thu gom, xử lý các chất thải nguy hại phát sinh sau vụ cháy, hướng dẫn phương án xử lý, cải tạo khu vực ô nhiễm.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Bộ Công an đẩy nhanh công tác điều tra, xác định nguyên nhân gây cháy nổ, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó vào hôm 11/9, liên quan đến việc khắc phục ô nhiễm môi trường sau vụ cháy, Chi cục Bảo vệ môi trường xác nhận cơ quan này đã làm việc với Công ty CP Môi trường đô thị và Công nghiệp Urenco 10 (Công ty Urenco 10) và Công ty Rạng Đông nhằm thống nhất phương án xử lý và tẩy độc trong và ngoài khu vực cháy.
Các bên đã thống nhất trong tối ngày 11/9, Công ty Urenco 10 sẽ thu dọn mặt bằng khu vực cháy để Viện Hóa học môi trường quân sự thuộc Binh chủng Hóa học (Bộ Quốc phòng) cô lập và xử lý hơi thủy ngân trong khu vực kho cháy ngay trong sáng nay 12/9.
Cũng trong sáng cùng ngày, trong buổi truyền thông hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại khu vực có liên quan đến vụ cháy, những chuyên gia của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội và Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) đã trực tiếp đối thoại, trả lời những thắc mắc của người dân.
Theo bác sĩ Hà Lan Phương, Phó trưởng Khoa Khám bệnh chuyên ngành, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường xác nhận hàm lượng thủy ngân tại khu vực bị cháy đều trong giới hạn cho phép và việc quan trắc vẫn được các cơ quan chuyên môn duy trì hằng ngày.
Các chuyên gia y tế cũng đã khuyến cáo do thủy ngân có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, da và tiêu hóa nên người dân nên chủ động phòng tránh.
Theo đó, người dân không nên thu gom và sử dụng nước mưa sau vụ cháy, không sử dụng nước giếng khoan chưa qua kiểm soát và cần đảm bảo các dụng cụ chứa nước có nắp đậy thường xuyên.