Ngày 25/3, trung tá Đặng Doãn Thành, Phó công an huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) cho biết, anh Nguyễn Thành Nhân (30 tuổi, ở TP Biên Hòa) đã xuống núi Chứa Chan an toàn sau 3 ngày 2 đêm đi lạc, theo VnExpress.
Trước đó, vào ngày 23/3, Nhân cùng nhóm bạn đi phượt kết hợp nhặt rác trên núi Chứa Chan ở xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc. Do đi sau nên anh không bắt kịp nhóm tại điểm hẹn trên đỉnh.
Đến 17 giờ chiều cùng ngày, anh mất liên lạc với nhóm khi ở lưng chừng phía Tây ngọn núi. Bạn bè sau đó cùng người nhà tỏa đi tìm nhưng không có kết quả. Buổi tối, Nhân leo lên một mỏm đá cao ngủ qua đêm.
Do khu vực núi có nhiều thung lũng, bụi rậm, dây leo, nên Nhân không thể xác định được hướng xuống núi.
Trưa hôm qua, hơn 100 cảnh sát huyện Xuân Lộc phối hợp với Ban quản lý Khu di tích núi chia thành 4 nhóm tìm nạn nhân xuyên đêm. Do địa hình hiểm trở, rừng rậm nên việc tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn.
Theo báo Lao Động, đến sáng 25/3, Nhân may mắn gặp được 2 thanh niên đi núi cho nước uống và chỉ lối xuống an toàn.
Kể lại quá trình bị lạc, Nhân cho biết ngày đầu do còn lương khô và bật lửa nên luôn giữ được bình tĩnh. Đến lúc trời tối thì điện thoại hết pin nên anh không thể cầu cứu ai được. Sang ngày sau, khi đồ ăn cạn kiệt, anh phải hái lá rừng để nhai cho đỡ đói và khát, cầm cự lấy sức.
“Đêm xuống, tôi kiếm mỏm đá cao nằm để tránh côn trùng, rắn rết. Do bật lửa hết gas nên tôi phải dùng lá cây đắp cho thân nhiệt đỡ lạnh”, Nhân chia sẻ.
Núi Chứa Chan cao 837 m so với mực nước biển. Đây là ngọn núi cao thứ hai ở Đông Nam bộ, sau núi Bà Đen (cao 986 m, Tây Ninh), với sườn dốc 30 – 35 độ, nhiều nơi rừng rậm, vách đá dựng đứng. Núi có dáng hình vòng cung gồm ba ngọn đồi liên tiếp nhau giống hình bát úp. Với địa hình hiểm trở, nơi này được nhiều bạn trẻ thích phượt khám phá.
Năm 2012, núi được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Năm 2016, tuyến cáp treo lên núi được đưa vào sử dụng, thu hút nhiều khách du lịch.