Theo chuyên gia, một số học sinh bị nghiện thiết bị thông minh không chỉ nghiện cá nhân mà còn nghiện theo tổ chức tức tạo ra nhóm nghiện với nhau và thường xuyên sử dụng phòng chat ở ngoài.
Việc trẻ tiếp xúc thường xuyên, thậm chí nghiện thiết bị thông minh khiến nhiều phụ huynh lo ngại. Tuy nhiên, việc nhìn nhận hậu quả cụ thể của việc này thế nào hay biện pháp để giúp con "cai nghiện" không phải phụ huynh nào cũng nắm được.
Trong chương trình Cuộc sống thường ngày phát sóng trên VTV ngày 14/7, chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà nhận định, việc trẻ nghiện thiết bị thông minh rất dễ xảy ra khi được bố mẹ cho sử dụng thường xuyên và ranh giới giữa bị nghiện và không bị nghiện cũng rất mong manh.
"Khi cho trẻ sử dụng Smartphone thường xuyên sẽ xảy ra hiện tượng bị lệ thuộc, tức nếu thiếu nó, đưa trẻ sẽ cảm thấy thiếu một cái gì đó. Từ cái lệ thuộc đến bị nghiện là khoảnh khắc không xa lắm. Chúng đã lệ thuộc rồi, chỉ có điện thoại chúng ta mới thoải mái thì đến một lúc không có điện thoại chúng sẽ không chịu được và đó là dấu hiệu của việc đã bị nghiện các thiết bị đó rồi", bà Hà phân tích.
Cũng theo bà Hà, khi trẻ bị "nghiện" là điều rất nguy hiểm vì nếu bị cấm đoán, chúng sẽ lén dùng ở bên ngoài và có thể gặp nguy hiểm khi truy cập mạng mà không có sự kiểm soát của người lớn như bị đối tượng xấu lạm dụng, lừa đảo.
"Tôi biết một số học sinh bị nghiện, ko chỉ nghiện theo cá nhân mà nghiện theo tổ chức tức tạo ra nhóm nghiện với nhau và thường xuyên sử dụng phòng chat ở ngoài. Một khi là nhóm ở bên ngoài thì vấn đề giám sát của gia đình không còn nữa hoặc nó bị ít đi và khi gia đình không có khả năng giám sát thì nó dẫn đến rất nhiều nguy cơ khác. Ví dụ: nguy cơ về mại dâm, lừa tiền...để giải quyết thỏa mãn cơn nghiện đó', bà Hà nói.
Trả lời câu hỏi bố mẹ phải làm gì để ngăn chặn điều này?, bà Hà cho rằng, trước khi cho các con sử dụng phải để cho các con hiểu công nghệ đó là cái gì? sau đó chúng ta đưa ra những giới hạn.
"Chúng ta không cho riêng con một cái để sử dụng trong phòng riêng mà chúng ta sẽ cho sử dụng thiết bị đó trong phòng chung của gia đình để bố mẹ có thể giám sát được. Bên cạnh đó, bố mẹ phải cho con biết chúng chỉ được truy cập, sử dụng những chương trình nào, những chương trình nào có thể gây nguy hiểm cho con. Những thông tin nào con không được phép cung cấp hay những đối tượng nào con ko được giao tiếp...", bà Hà khuyến cáo.
H.M (tổng hợp)