(Tinmoi.vn) Bà Chu Thị T., hiệu trưởng trường mầm non Sơn Ca Ecopack – Văn Giang – Hưng Yên bị hàng chục người tố lừa đảo và bỏ trốn với số tiền hàng chục tỷ đồng.
Ngày 15/8, báo Người đưa tin nhận được đơn thư của nhiều cá nhân “tố” bà Chu Thị T., hiệu trưởng trường mầm non Sơn Ca Ecopack lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Anh Dũng (một trong những người đứng đơn) cho biết, sau nhiều năm tìm kiếm, tối ngày 14/8, khoảng 30 người (được cho là nạn nhân - PV) của bà Chu Thị T., đã phát hiện bà đang ở tại khách sạn trên đường Lạc Long Quân, phường Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội. Ngày hôm sau (15/8), nhóm người này đã tới công an phường Xuân La và đề nghị CA phường mời bà T., về trụ sở để làm sáng tỏ vụ việc.
Theo đơn trình báo, bà Chu Thị T., (SN 1958, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội), là Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hồng Minh Minh (địa chỉ quận Ba Đình, Hà Nội) đồng thời là Hiệu trưởng trường mầm non tư thục Sơn Ca có địa chỉ tại số 393, Lạc Long Quân, Tây Hồ, HN và khu đô thị Ecopack (huyện Văn Giang, Hưng Yên). Trong thời gian từ năm 2011 – 2014, bà T., đã huy động vốn của rất nhiều người với hình thức hợp tác đầu tư xây dựng trường mầm non Sơn Ca Ecopack, nhưng sau đó dự án “nằm im bất động”, còn số tiền đầu tư lên đến nhiều chục tỷ đồng của nhiều cá nhân cũng bị bà Tâm “ẵm” theo bỏ trốn.
Nhóm người tố cáo đứng đợi ngoài sân Ca phường Xuân La chờ lấy lời khai.
Chị Lê Thúy N. (trú tại quận Long Biên) người tố cáo cho biết, qua một người bạn cùng cơ quan chị biết đến bà T., sau thời gian quen biết, chị N. và bà Tâm khá thân thiết. Được biết, bà T., là Giám đốc một công ty tư nhân và là Hiệu trưởng của một số trường mầm non tư thục. Đồng thời, chồng bà T., cũng là một cán bộ công an. Thế nên, ngay khi bà T., ngỏ ý với chị N. góp vốn cùng đầu tư xây dựng trường mầm non Sơn Ca Ecopack (từ năm 2012), chị N. đã tin tưởng đồng ý góp vốn với số tiền 200 triệu đồng. Theo hợp đồng, lợi nhuận hàng tháng từ số tiền chị N. đầu tư là 3,5% (bà T., sẽ trả cho chị N. 7 triệu đồng/tháng).
Thế nhưng, gần 1 năm góp vốn, chị N. chưa nhận được tiền lợi nhuận hàng tháng như thỏa thuận. Với lý do dự án chưa hoàn tất, bà Tâm tiếp tục thuyết phục chị N. cho vay thêm 2.6 tỷ đồng và hứa, ngày 20/4/2013, nhà trường sẽ trả chị N. 1 tỷ đồng, trong 30 ngày tiếp theo bà T., sẽ trả lại toàn bộ số tiền, cả lợi nhuận.
Hợp đồng hợp tác và giấy vay tiền mà bà Tâm ký với chị N.
Quá ngày hẹn, bà T., vẫn chưa hoàn lại tiền đầu tư và cho vay, vợ chồng chị N. đã nhiều lần tìm đến nhà, gọi điện, tuy nhiên đều không liên lạc được, hoặc có liên lạc được thì bà Tâm cũng lấy lý do để lần lữa việc trả tiền đầu tư. Qua tìm hiểu, chị N. mới vỡ lẽ, số tiền bà T., huy động không được đầu tư xây dựng trường mầm non mà dự án đó chỉ là dự án “ma” do bà ta tự vẽ ra để đi huy động tiền của nhiều người. Cơ sở tại Ecopack thực chất chỉ là nơi bà T., thuê để mở lớp trông trẻ. Và từ lâu, bà T., cũng không còn sống trên địa bàn, thậm chí liên tục thay đổi chỗ ở để “trốn tránh” những người đã đầu tư tiền vào dự án đến đòi tiền.
Anh Nguyễn Thanh Long (trú tại Vương Thừa Vũ) cho hay: “Cũng vào năm 2011, bà T., mời tôi góp vốn đầu tư vào kinh doanh trường mầm non. Để tôi tin tưởng, bà T., giới thiệu chồng mình làm công an. Qua xác minh, tôi thấy những lời giới thiệu của chị ta là đúng, thế nên tôi đồng ý đầu tư với số tiền 300 triệu, với điều kiện: bản thảo hợp đồng phải có cả chồng bà T., giao tiền tại nhà bà T., và phải có mặt chồng bà ấy, đồng thời ông ta phải cùng ký. Ngoài ra, tôi còn yêu cầu bà T., phải công chứng mọi giấy tờ, thủ tục liên quan và bà ta đồng ý. Vì vậy, tôi đã giao giao cho bà T., 14.417 USD, tương đương 300 triệu, và trực tiếp ông chồng bà T., đếm tiền và cùng ký vào hợp đồng. Sau khi hợp đồng thực hiện được 4 – 5 tháng thì bà T., bỏ trốn, tôi đã đến nhà riêng và các cơ sở trường mầm non của bà ta nhưng tất cả đều đóng cửa”.
Theo anh Long, bằng cách “khoe mẽ” về mối quan hệ rộng, và lấy chồng mình làm bình phong cho mọi người tin tưởng, bà T., đã đi kêu gọi nhiều người góp vốn đầu tư rồi “ôm tiền” bỏ trốn. “Số tiền bà T., lừa được đến nay khoảng 40-50 tỷ đồng, đó chỉ là thống kê của nhóm người đã phát hiện được hành vi của bà ta. Còn số người chưa biết tin có lẽ còn nhiều hơn nữa, người nhiều nhất cho bà T., vay lên đến gần 10 tỷ đồng”, anh Long nói.
Có mặt tại trụ sở công an quận Tây Hồ trong ngày 15/8, chị Hương cho biết, chị cho bà T., thuê 1 xe ô tô 4 chỗ từ năm 2011, hợp đồng thuê 10 tháng. Đến năm 2012, chị được chủ một hiệu cầm đồ thông báo đến chuộc xe. Lúc đó chị mới biết, bà T., đã đem xe của mình đi cầm cố rất nhiều nơi.
“Chúng tôi đã làm đơn trình báo lên rất nhiều nơi như Phòng Cảnh sát điều tra về trật tự xã hội (CA TP.Hà Nội), Công an phường Nghĩa Đô, Công an Nhật Tân, Phòng CSHS (CA tỉnh Hưng Yên)… tuy nhiên, chúng tôi chưa nhận được câu trả lời từ cơ quan chức năng. Đã có lần cơ quan công an gọi tôi lên lấy lời khai, gọi cả bà Tâm lên trụ sở làm việc nhưng bà ta lại được thả về. Hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của bà T., đã rõ, nhân chứng cũng đầy đủ, vậy tại sao bà ta không bị cơ quan chức năng xử lý, bắt giữ. Thậm chí, sau khi được thả ra bà T., lại tiếp tục đi lừa rất nhiều người”, chị Phan Thị Bích (trú tại phường Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bức xúc.
Trao đổi với PV vào chiều 15/8, ông Võ Minh Trí – Phó Trưởng CA phường Xuân La cho biết: “Chúng tôi đã tiếp nhận đơn của nhóm người trên, đồng thời ghi nhận lời khai. Bà T., hiện đang có mặt tại trụ sở, tuy nhiên chúng tôi chưa thể tạm giữ, bắt giữ theo yêu cầu của bà con, mặc dù chúng tôi biết họ đang rất bức xúc. Việc bắt giữ phải có đầy đủ bằng chứng và đúng theo quy định của pháp luật, hiện, phường đã chuyển hồ sơ lên quận và xin ý kiến chỉ đạo, xử lý”.
Ngày 18/8, trao đổi với PV, bà T., đã phủ nhận mọi cáo buộc của nhóm người làm đơn tố cáo mình và cho biết mình đang tại ngoại, không bị bắt giữ. Đồng thời bà đã cung cấp toàn bộ hồ sơ tài liệu liên quan cho cơ quan công an. Đúng sai thế nào, cơ quan chức năng sẽ điều tra, xem xét giải quyết.
Ở vụ việc này, luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Giám đốc công ty luật Đại Nam) cho rằng: Hành vi của bà T., đã đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại điều 139 – Bộ Luật Hình sự, đủ yếu tố để khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra. Tuy nhiên, việc bắt giữ bị can để điều tra còn phụ thuộc vào một số yếu tố khác được quy định tại điều 79; 80 Luật Tố tụng Hình sự… Như trường hợp ở trên, cơ quan CSĐT có đủ yếu tố để áp dụng biện pháp ngăn chặn quy định tại điều 79 (Luật Tố tụng Hình sự) là tạm giữ, tạm giam để điều tra.
Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. |
Đức Thuận