Sau kỳ nghỉ lễ 3 ngày Tết Dương lịch, người dân đã trở lại thành phố để tiếp tục công việc của mình. Không chỉ các tuyến đường đông nghịt người mà các bến xe cũng quá tải khi đón lượng lớn người trở lại.
Tại Hà Nội, theo ghi nhận của báo VTC News, Kinh tế Đô thị, từ khoảng 15h ngày 3/1, do lượng xe và người đổ về liên tục nên các tuyến đường xung quanh khu vực bến xe vào nhiều thời điểm xảy ra ùn tắc cục bộ.
Trao đổi với PV Hà Nội mới, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát, cho biết chiều ngày 3/1, lượng khách đổ về bến tăng khoảng 50 - 70% so với những ngày cuối tuần và tập trung chủ yếu ở các tuyến đường như: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Phú Thọ, Thái Bình, Lào Cai… Ngoài ra, ở bến xe Nước Ngầm và bến xe Mỹ Đình đều tăng khoảng 70% với ngày cuối tuần.
Tại TP HCM, theo ghi nhận của báo Người Lao Động, Tiền Phong, hàng ngàn lượt phương tiện từ các tỉnh, thành bắt đầu đổ về TP HCM từ trưa đến chiều tối 3/1 cũng khiến một số nơi xảy ra ùn ứ.
Theo hình ảnh chụp lại, tại bến phà Cát Lái (nối từ Đồng Nai sang TP HCM) từ xế chiều 3/1, hàng ngàn lượt phương tiện từ Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu nối đuôi nhau qua phà gây nên tình trạng ùn ứ. Theo ước tính của đơn vị quản lý phà, trong ngày 3/1, có khoảng 71.000 lượt khách qua lại bến, tăng gấp đôi so với ngày thường. Lực lượng CSGT luôn túc trực điều tiết phương tiện.
Trong khi đó, cửa ngõ phía Đông. miền Tây TP HCM, như khu vực Suối Tiên (quận 9), Xa Lộ Hà Nội (quận 9, quận 2)… hay tuyến Quốc lộ 1 (đi qua huyện Bình Chánh và quận Bình Tân) xe cộ có đông nhưng không xảy ra tình trạng ùn ứ.
Lý giải nguyên nhân không xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ kéo dài, trao đổi với PV NLĐ, Trung tá Lê Đức Toàn – Phó trạm trưởng Trạm CSGT Tân Túc - cho biết có thể do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên người dân hạn chế về quê. Ngoài ra, người dân rút kinh nghiệm từ những năm trước, sắp xếp thời gian đi lại hợp lý hơn nên từ giữa trưa 3/1, hàng ngàn lượt xe gắn máy từ miền Tây đã đổ về TP HCM, đến chiều chủ yếu chỉ còn ôtô.