Hai lần mất mẹ, phải sống trong cảnh cơ cực từ nhỏ, chính những điều đó đã làm nên một Hoàng Xuân Vinh với ý chí thép. Hoàng Xuân Vinh đã đưa lịch sử thể thao Việt Nam bước sang một trang mới với tấm HCV Olympic Rio 2016.
[mecloud]HX81AmdwTl[/mecloud]
Ở nội dung 10 m súng hơi nam diễn ra tối 6/8 và rạng sáng 7/8 (giờ Việt Nam), Hoàng Xuân Vinh đã đứng thứ tư tại vòng loại và giành quyền vào chung kết với số điểm 581.
Nhưng bất ngờ không dừng lại ở đây, Hoàng Xuân Vinh còn gây sốc khi đánh bại cả xạ thủ Felipe Almeida Wu người Brazil một cách ngoạn mục để giành huy chương vàng lịch sử. Thành tích 202,5 điểm ở loạt bắn chung kết của anh cũng là kỷ lục Olympic mới trong loạt bắn chung kết. Đây cũng là lần đầu tiên VĐV Việt Nam lập kỷ lục ở một kỳ Olympics.
Nỗi đau hai lần mất mẹ
Hoàng Xuân Vinh sinh ngày 06 tháng 10, 1974 tại Sơn Tây, Hà Tây (cũ).
Đến với bắn súng chuyên nghiệp muộn lại bị cận nặng, Hoàng Xuân Vinh đã vượt qua rất nhiều thách thức để giành tấm HCV đầu tiên cho Thể thao Việt Nam ở đấu trường Olympic.
Xuất thân trong một gia đình nghèo, bố là bộ đội tập kết ra bắc, mẹ làm công nhân, đến năm 3 tuổi anh đã phải chịu nỗi đau mồ côi mẹ. Sau đó, Xuân Vinh ở với mẹ kế, nhưng cũng chẳng bao năm thì người mẹ thứ 2 của anh cũng qua đời.
Khoảnh khắc hạnh phúc của Hoàng Xuân Vinh sau khi đoạt HCV |
Phải sống trong cảnh khó khăn, nên Hoàng Xuân Vinh không có được điều kiện như những bạn cùng trang lứa, ngoại hình còi cọc và vẫn bị các bạn trêu là "chàng trai chưa cao nổi mét sáu" khi đã kết thúc cấp ba.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, Xuân Vinh quyết định nhập ngũ, và mãi đến năm 1994 mới bắt đầu theo nghiệp bắn súng sau gần 2 năm sống trong môi trường quân đội.
Bị xem là không phải là nhân vật tiềm năng khi đến với bắn súng muộn, lại mất 5 năm sau mới có thể giành được HCV đầu tiên trong sự nghiệp. Nhưng chính nhờ sự kiên trì, ý chí hơn người mà từ đó, chàng sỹ quan sinh năm 1974 này cứ từng bước một cách chậm rãi tiến trên con đường sự nghiệp của mình.
"Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh, thép đã trở nên cứng rắn hơn". Thời gian để tôi luyện nên một Xuân Vinh ý chí thép như bây giờ kéo dài hàng chục năm, và chính quãng thời gian kéo dài như thế càng khiến người ta phải thán phục, ngưỡng mộ sự bền bỉ của Hoàng Xuân Vinh.
“Cái mất lớn nhất khi tôi theo bắn súng đó là thời gian dành cho gia đình”
Hỏi Xuân Vinh bí quyết để trở thành một trong những xạ thủ hàng đầu thế giới, anh bảo đó là đam mê tột đỉnh: “Tôi khi nghỉ có thể đi chơi, uống café, hút thuốc... Nhưng khi tập huấn, thi đấu giải, tôi bỏ hết. Tôi luôn tập trung tối đa, trong đầu chỉ có bắn súng, không làm bất cứ điều gì khác. Đây là nguyên tắc mà mất rất nhiều thời gian tôi mới tu tập được”.
Xuân Vinh thậm chí từng xác định theo nghiệp bắn súng là chấp nhận giảm tuổi thọ. Mỗi ngày, anh nâng súng khoảng 400 lần, phải nín thở bóp cò, nợ oxy, ảnh hưởng đến tim mạch. Thêm đó là tinh thần luôn căng thẳng cao độ. Tuy nhiên, anh không hề tiếc nuối điều đó. Điều khiến xạ thủ vừa giành HC vàng Olympic 2016 trăn trở là việc anh đi tập huấn, thi đấu quanh năm, khiến vợ con chịu thiệt thòi.
“Cái mất lớn nhất khi tôi theo bắn súng đó là thời gian dành cho gia đình. Tôi mồ côi mẹ từ khi ba tuổi nên hiểu rõ con cái thiếu thốn tình cảm khổ sở thế nào. Tôi muốn dành cho con mình nhiều thời gian nhưng không thể. Là vận động viên, dự nhiều giải, tôi đi suốt, có khi cả vài tháng mới về nhà một lần. Có năm tôi đi thi đấu tới tận 14h chiều ngày 30 Tết mới hạ cánh xuống sân bay Nội Bài. Về tới nhà là 16h, tôi dội qua người chút rồi vội vàng đưa vợ con đi sắm cành đào, làm mâm ngũ quả”, Xuân Vinh kể.
Anh bảo tội nhất là vợ, phải vất vả một mình chăm lo cho gia đình. Anh đi thi đấu, giành vinh quang, lên báo, lên truyền hình nhưng người phụ nữ không cần những thứ đó, cái họ cần là một người đàn ông chia sẻ mọi việc trong cuộc sống.
Cự Giải (tổng hợp)