Không những tình trạng học hộ thi thuê không thuyên giảm, mà ngay các trường cũng tỏ ra bất lực trong việc ngăn chặn?
Ngay sau khi báo đăng tải loạt bài: “Điều tra độc quyền về những đường dây và hệ thống tổ chức học hộ - thi thuê ở hàng loạt trường đại học”, nhóm PV điều tra vẫn âm thầm theo dõi hoạt động của các “băng nhóm” này. Thực tế thật đáng buồn, không những tình trạng này không thuyên giảm, mà ngay các trường cũng tỏ ra bất lực trong việc ngăn chặn?
Thập diện mai phục tại trường Ngoại thương
Mặc dù đã được PV cảnh báo về tình trạng các đối tượng thi thuê dễ dàng vượt qua “hàng rào an ninh” của trường để vào phòng thi, nhưng dường như trường đại học Ngoại thương tỏ ra coi thường. Sau nhiều lần theo dấu các đối tượng thi thuê hoạt động tại đây, chúng tôi phát hiện trong vòng chưa đầy 4 ngày, một đối tượng thi thuê “vượt mặt” giám thị, trà trộn trót lọt vào phòng thi.
Sau khi đã đột nhập, theo dấu, vạch mặt hàng loạt đối tượng thi thuê chuyên nghiệp tại các trường đại học ở Hà Nội, 4 mũi điều tra của báo tập trung theo dấu vết nghi vấn tại khu vực trường đại học Ngoại thương.
Hai ngày liên tục, cắm chốt tại khu vực cổng, sân trường, căng tin và các quán nước xung quanh, tuy nhiên chúng tôi không phát hiện bất kỳ đối tượng nào có dấu hiệu khả nghi nằm trong danh sách thi thuê chuyên nghiệp do nhóm xác định. Khoảng 9h15 ngày kế tiếp, một nữ đối tượng thuộc dạng thi thuê có số má trên các diễn đàn học hộ, thi thuê bất ngờ đi trên một chiếc xe ôm đến cổng trường.
Các mũi điều tra lập tức thông báo, không để đối tượng lọt khỏi tầm mắt. Nữ đối tượng ăn mặc khá trẻ trung, sành điệu với cặp kính cận thời trang đắt đỏ, xách một chiếc túi màu đen. Thanh toán tiền xe ôm xong, cô gái này tiến vào khu vực sân trường và điềm tĩnh ngồi ăn sáng.
|
Theo dấu đối tượng đang hoành hành trước khu vực thi. |
Ngay lập tức chúng tôi tiếp cận, ngồi cạnh nữ đối tượng chuyên nghiệp này. Để tránh bị cô nghi ngờ, tôi rút cuốn sách trong túi ra lẩm nhẩm như người chuẩn bị vào phòng thi ôn lại bài. Ngồi ghế đá chừng 10 phút, nữ đối tượng chậm rãi tiến về khu vực phòng G403 đã được thông báo. Tỏ vẻ hớt hải, tôi vội vã chạy trước về phía phòng thi này.
Tôi chọn một góc nhỏ cuối hành lang, giả vờ dán mắt vào cuốn sách, nhưng mắt không hề rời nữ đối tượng này. Theo tìm hiểu, ca thi hôm nay sẽ bắt đầu vào lúc 9h30, môn thi Dịch hợp đồng thương mại. Bất ngờ nữ đối tượng tiến thẳng về phía tôi, hỏi câu hỏi khá bất ngờ: “Bạn cũng đi thi hộ à”. Tưởng mình bị bại lộ, tôi khẽ cười và lắc đầu, nhưng nhìn vào đôi mắt của nữ đối tượng, tôi biết, cô đang hỏi rất chân thành.
Nhanh chóng định thần, tôi cười và nói nhỏ: “Giống bạn thôi”. Lúc đó nữ đối tượng mới tự tin chia sẻ, thấy mọi người rỉ tai nhau, thi ở phòng máy sẽ kiểm tra cả thẻ sinh viên và chứng minh nhân dân rất ngặt. Thấy tôi tỏ ra lo lắng, nữ đối tượng tỏ vẻ tự tin, thẻ sinh viên giả và ảnh trên chứng minh nhân dân của mình rất giống, nên không sợ.
Theo tìm hiểu thì nữ đối tượng này tên thật là P.N., người cô đang thế thân vào thi thuê là V.P.A.T.. Đến giờ thi, nữ đối tượng này mặc dù mang đầy đủ giấy tờ, nhưng vẫn không được vào thi, vì cả 2 phòng máy G401 và G403 đều đã kín máy. Giám thị phòng G403 nói với mọi người rằng, chờ đến 10h45 để thi ca tiếp theo. Lúc đó, có khoảng 10 sinh viên khác cũng đứng ngoài phòng thi để chờ ca tiếp.
Chiếc thẻ sinh viên Ngoại thương nhờ đối tượng thi thuê đi làm giả để đội lốt mình vào phòng thi. |
Sau khi quan sát các sinh viên đang chờ vào phòng thi, P.N. thì thầm vào tai tôi: “Chứng tỏ trường Ngoại thương lần này kiểm tra khá gắt gao đấy”. Cùng lúc đó, nữ đối tượng tiến về phía giám thị hỏi: “Thưa cô, em chỉ mang thẻ sinh viên thôi chứ không mang theo chứng minh nhân dân, cô có thể châm chước cho em được không ạ?”.
Cô giám thị trả lời: “Không được, phải có cả hai giấy tờ thì mới được vào thi”. Lúc này tôi chỉ biết đứng thần người thầm nghĩ: “Nếu P.N. không được vào phòng, coi như hành trình vạch mặt các chiêu bài của đối tượng xôi hỏng bỏng không”. Nhưng được khoảng 15 phút, bất ngờ có một thầy giáo trẻ đến dẫn chúng tôi (trong đó có tôi và nữ đối tượng, cùng các sinh viên đang đứng ngoài chờ thi) xuống tầng 3, phòng khai thác mạng để làm bài.
Trên đường xuống tầng 3, tôi liền tách khỏi nhóm người này, vội tìm một vị trí đẹp đứng quan sát. Thật lạ kỳ, những người còn lại vào phòng mà không cần kiểm tra giấy tờ (trong đó có đối tượng thi thuê tên P.N.) vẫn đăng nhập vào làm bài như bình thường.
Được khoảng 5 phút, một nữ giáo viên chừng 45 tuổi, tóc xoăn, xuống phòng và hỏi: “Những bạn nào thi phòng 401?”. Có khoảng 4 đến 5 bàn tay giơ lên. Cô giáo này đi đến bên các bạn để kiểm tra giấy tờ tùy thân. Còn 4 bạn phòng 403, trong đó có nữ đối tượng đang hoạt động thi thuê thì không bị kiểm tra giấy tờ?! Sau khi làm bài xong, nữ đối tượng này được nhắc rằng lên phòng G403 để ký vào danh sách thi. Khi P.N. lên phòng đó để ký danh sách, cô giáo cũng gật đầu cho ký mà không kiểm tra gì.
Lúc đó, trong phòng thi mọi người đã về gần hết, chỉ có một bạn nữ ngồi ở hàng máy đầu tiên đang bị thầy cô giám thị hỏi. Do khoảng cách khá xa, tôi chỉ nghe loáng thoáng rằng bạn này quên mang chứng minh nhân dân, cô giáo có nói: “Không kiểm tra kỹ, các anh chị lại lên mạng nói này nói nọ”. Về phần đối tượng P.N., sau khi nộp bài, rời phòng thi xuống cổng trường, gặp gỡ V.P.A.T. lấy tiền thù lao cho ca thi trót lọt. Theo như P.N. chia sẻ, ca này cô được trả 100 nghìn đồng và giữ lại toàn bộ giấy tờ của A.T. để ngày 10/1 tiếp tục thi cho bạn đó môn tiếng Anh cơ sở 7 (TACS7).
Không có thẻ sinh viên, dùng chứng minh giả vẫn lọt lưới?
Sáng 10/01, P.N. có mặt tại trường Ngoại thương như đã hẹn. Cô có mặt để hoàn thiện môn thi tiếng Anh cơ sở 7 cho V.P.A.T ở phòng thi A601. Do đã làm thẻ sinh viên giả và thay ảnh chứng minh nhân dân, nên P.N. lọt vào phòng thi rất nhanh.
Trước khi lọt vào phòng thi, nữ đối tượng thi thuê này chia sẻ, giáo viên trường đại học Ngoại thương có vẻ tỏ ra tinh tường, nhưng thực ra “mù tịt” về mấy cái khoản phát hiện thẻ giả. Họ kiểm tra thẻ để làm cho ra vẻ nghiêm túc, nhưng thực chất chỉ là lấy lệ. “Thật ra thẻ sinh viên giả của mình trông không giống thật lắm, nhưng vì em có chứng minh nhân dân, nên giám thị trường cũng chỉ nhìn qua loa, rồi cho vào phòng thi ấy mà”, P.N. nói.
Trong phòng thi, khi các sinh viên ngồi vào máy, thầy giám thị yêu cầu đăng nhập. Có nhiều sinh viên hôm đó làm theo chỉ đạo, nhưng máy không hiển thị môn thi. Máy của nữ đối tượng P.N. cũng là một trong số đó. Sau đó giám thị yêu cầu, những máy nào không hiển thị môn thi thì nộp thẻ sinh viên cho thầy để thầy sửa lại dữ liệu.
Nữ đối tượng thi thuê không dám nộp thẻ vì sợ bị phát hiện thẻ giả. Thay vào đó, cô mang chứng minh nhân dân lên nộp và nói rằng cô quên không mang theo thẻ sinh viên, nhưng không được chấp nhận vì thiếu giấy tờ. Để qua mặt thầy giám thị tội nghiệp này, P.N. xin phép: “Thầy cho em xuống phòng quản lý đào tạo để xin xác nhận ạ”.
Ngay sau đó, cô mang chứng minh nhân dân xuống phòng quản lý đào tạo, gặp một thầy giáo đang ngồi làm việc ở gần cửa phòng. Vừa thấy P.N., thầy giáo này hỏi P.N. học lớp nào để thầy rà lại hồ sơ, đối chiếu mặt thì mới xác nhận được.
Lâm vào thế bí, bởi nếu rà lại hồ sơ thì sẽ bị lộ chân tướng, P.N. vội vàng khai bừa là đang học lớp Anh 19. Thầy giáo lập tức tìm lại hồ sơ thì không thấy tên V.P.A.T. trong danh sách lớp. Nữ đối tượng liền bịa ra lý do: ‘Thưa thầy, hình như em chưa nộp tờ khai sơ yếu lý lịch”.
Thấy nữ đối tượng này có vẻ thật thà, mặc dù không xác nhận, nhưng thầy giáo này gợi ý cho P.N. gọi điện cho thầy L. để xin đổi lịch thi sang buổi chiều và dặn cô về nhà lấy đầy đủ thẻ sinh viên để đi thi.
Được “vẽ đường”, nữ đối tượng lập tức liên hệ với thầy L. xin đổi sang thi ghép với lớp TACN...7. Giờ thi vào 15h30 cùng ngày, tại phòng G301 - phòng Khai thác mạng. Thầy L. đồng ý. Đến 15h30, chúng tôi theo dấu đối tượng này đến phòng G301 dự thi. Nữ giám thị sau khi kiểm tra giấy tờ vẫn cho đối tượng này vào thi dễ dàng.
Câu hỏi đặt ra, tại sao vẫn có tình trạng này xảy ra? Tại sao sau nhiều cảnh báo nhưng những con thiêu thân học hộ, thi thuê vẫn liều lĩnh nhận hợp đồng? Phải chăng, những người học thật phải chấp nhận đầu hàng những kẻ học hộ, thi thuê chỉ vì chế tài xử lý còn nhiều bất cập?
Sa Hà - Diệu Nam