Chiều qua (ngày 5/8), Bộ GD-ĐT vừa chính thức công bố dự thảo chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể, trong đó học sinh được phép tự chọn một số môn học.
[mecloud]t20Y7yltgc[/mecloud]
Trong chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể, thay vì học sinh phải học tất cả các môn như hiện nay, ở mỗi cấp học, chương trình được thiết kế gồm: một số môn học bắt buộc, một số môn học sinh được phép tự chọn có học hay không, một số môn các em có thể tự chọn một phần nội dung của môn học thay vì phải học hết cả môn đó.
Trong đó, Toán, Văn, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống/Giáo dục công dân hay Công dân với Tổ quốc là những môn bắt buộc trong cả 3 cấp. Những môn như: Ngoại ngữ 2, Tiếng dân tộc hay Nghiên cứu khoa học kỹ thuật, học sinh có thể tùy ý chọn có học hay không. Những môn như: Kỹ thuật - Tin học, Thể thao, Âm nhạc, Mỹ thuật và một số chuyên đề học tập, học sinh sẽ được tự chọn học một số nội dung của môn đó.
Từ bậc tiểu học đến THPT, số lượng các môn học bắt buộc sẽ giảm dần và số môn học tự chọn tăng dần lên. Lên đến bậc THPT, các học sinh sẽ chỉ còn 4 môn bắt buộc gồm: Ngữ văn 1, Toán 1, Công dân với Tổ quốc, Ngoại ngữ 1. Còn lại, các em sẽ tự chọn 3 - 4 môn học trong các môn còn lại.
Tự chọn trong nhóm môn học (TC2) gồm 4 môn (lớp 10, 11) và 3 môn (lớp 12) trong các môn: Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn 2, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Toán 2, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội. Nếu chọn môn Khoa học Tự nhiên thì không chọn các môn: Vật lý, Hoá học, Sinh học; nếu chọn môn Khoa học Xã hội thì không chọn các môn: Lịch sử, Địa lý. Các môn Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội chỉ học ở lớp 10 và lớp 11.
Tự chọn trong môn học (TC3) gồm: Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể thao, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo (lớp 10, 11, 12); Chuyên đề học tập (lớp 11, 12).
Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, để cung cấp cho mọi người cái nhìn toàn diện về chương trình giáo dục phổ thông mới, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) mới có điểm kế thừa mục tiêu chung của CT GDPT truyền thống, thể hiện ở định hướng: Tiếp tục mục tiêu giáo dục phát triển con người toàn diện “đức, trí, thể, mỹ”, hài hòa về thể chất và tinh thần…
Mục tiêu của CT GDPT hiện hành chưa chú trọng yêu cầu phát triển năng lực và phát triển tiềm năng riêng của mỗi học sinh. Mục tiêu của CT GDPT mới nhấn mạnh yêu cầu phát triển năng lực, chú ý phát huy tiềm năng vốn có của mỗi HS, chú ý phát triển cả con người xã hội và con người cá nhân. Đó chính là đổi mới căn bản trong CT GDPT.
Như vậy, so với lần xây dựng chương trình trước đây, lần này, Bộ GD&ĐT đã xây dựng được một chương trình khung của cả 12 năm học, phần nào thể hiện được sự liên thông và phát triển kiến thức, kỹ năng, phương pháp giảng dạy giữa các môn của ba cấp.
Lê Vy (tổng hợp)