"Quang Trung là nhà vua còn là nhà thơ nữa. Con đang học trường của ông ấy. Con học trường Nguyễn Du, mà Nguyễn Du chính là ông Quang Trung"”, là câu trả lời của một học sinh ở Hà Nội khiến nhiều người giật mình.
Trong chuyên mục Tiêu điểm của chương trình Chuyển động 24h trưa ngày 11/7, phóng viên đã hỏi một số học sinh ở độ tuổi học tiểu học, THCS trên hai tuyến phố Tây Sơn và Phạm Tiến Đông ở Thủ đô Hà Nội những câu hỏi đơn giản về vị vua Quang Trung - Nguyễn Huệ. Tuy nhiên, chỉ có 2 trong số những học sinh được hỏi trả lời đúng câu hỏi phóng viên đưa ra.
Câu đầu tiên phóng viên hỏi hai bạn nữ đang đi ở đoạn đường trước mặt khu di tích Gò Đống Đa là "bạn có biết gần đây có di tích lịch sử nào gắn liền với vị vua Quang Trung không?" và một nữ sinh đã thản nhiên nói: "em không biết".
Phóng viên hỏi tiếp "Bạn có biết ông vua Quang Trung và ông Nguyễn Huệ có mối quan hệ gì với nhau?", bạn nữ này đã ngại ngùng trả lời "em không" rồi nói vu vơ "anh em ạ".
Môn học Lịch sử vì sao kém hấp dẫn học sinh? |
Học sinh thứ 2 mà phóng viên gặp để làm trắc nghiệm là một nữ sinh biết gò Đống đa nhưng khi được hỏi "Gò đống đa có tượng của ai?" thì lại nói là thờ Trần Quốc Tuấn.
Câu "vua Quang Trung và Nguyễn Huệ có mối quan hệ gì với nhau?" cũng được phóng viên hỏi 5 học sinh khác và cũng chỉ có 2 học sinh trả lời đúng còn các em còn lại có câu trả lời: "họ là bố con; anh em một nhà; bạn thân chiến đấu cùng nhau. Thậm chí có em còn nói rằng: "Quang Trung là nhà vua còn là nhà thơ nữa. Con đang học trường của ông ấy. Con học trường Nguyễn Du, mà Nguyễn Du chính là ông Quang Trung".
Về vấn đề học Sử trong nhà trường, như báo chí đã phản ánh, trong nhiều năm trở lại đây, môn Lịch sử đang nắm giữ một kỷ lục khá đáng buồn khi luôn là môn học có lượng thí sinh dự thi thấp nhất.
Ở kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015, Lịch sử là môn có thí sinh dự thi ít nhất. Cả 1 hội đồng coi thi hơn 60 người, chỉ phục vụ 1 thí sinh và đây là thí sinh duy nhất đăng ký thi môn Lịch sử.
Tình trạng này cũng không phải là cá biệt khi xuất hiện ở một số Hội đồng thi của các tỉnh Quảng Ninh, Nghệ An, Thừa Thiên Huế. Thậm chí, tại Quảng Ninh, có tới hơn 10 điểm thi không có thí sinh nào dự thi môn Lịch sử.
Vì sao lại xảy ra tình trạng trên? Tại sao môn Lịch sử lại kém hấp dẫn học sinh đến vậy? đã được các nhà giáo dục, sử học "mổ xẻ", phân tích khá nhiều. Trong đó, nguyên nhân được đề cập đến nhiều nhất là do chương trình học trong sách giáo khoa quá nhiều lại cứng nhắc. Bên cạnh đó, một số giáo viên chủ yếu dạy theo sách giáo khoa và chưa có phương pháp giảng dậy hấp dẫn, tạo sức hút với học sinh.
H.Minh (tổng hợp)