Vì bị điểm 3 môn tiếng Anh, một học sinh lớp 9 từng là học sinh giỏi nằm trong đội tuyển của nhà trường đã nhảy lầu tự tử.
Theo báo Tuổi Trẻ, mấy ngày nay, trên mạng xã hội lan truyền thông tin một nam sinh lớp 9 tên H. đang học tại trường THCS trên địa bàn quận 1, TP.HCM nhảy lầu tự tử vì bị điểm kém.
Theo đó, người đại điện trường THCS trên cho biết: "Đó là một nam sinh giỏi của trường. Em có năng khiếu về tiếng Anh và có tên trong đội tuyển học sinh giỏi môn tiếng Anh của trường”.
Nhà trường cho biết đầu năm lớp 9, H. bị điểm 3 môn tiếng Anh trong một lần giáo viên bộ môn kiểm tra miệng. Được biết đây là bộ môn em học giỏi và tự tin nhất. Sau đó em học sinh này bị trầm cảm nặng và không muốn đến trường. Gia đình đã đưa đi khám tâm lý các nơi, ba mẹ cũng túc trực ở nhà để trông nom chăm sóc. Nhưng cuối cùng em đã nhảy từ chung cư xuống đất và tử vong.
Áp lực điểm số có thể là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm cho học sinh. Ảnh minh họa |
Cũng theo báo Thanh Niên, chị T.H, một nhà báo tại TP.HCM có quen với gia đình của em học sinh H. đã chia sẻ câu chuyện này trên Facebook và nhận được nhiều sự quan tâm:
“Tiếng Anh làm gì nếu chưa nghe được tiếng Con? Tiếng Anh làm gì nếu không nghe được tiếng nói bên trong của Chính Mình? Tiếng Anh làm gì, nếu trong nhà không nói được tiếng Gia đình? Trước khi hiểu những người bên kia bán cầu nói gì thì làm ơn hiểu chính cơ thể mình đang nói gì đã. Với chính mình, với con, chúng ta còn xài ngoại ngữ, loại ngoại ngữ chả bao giờ thèm đi học, nên thậm chí tiếng kêu cứu, mà người mình yêu nhất, ở ngay cạnh cũng không nghe được... Tôi biết, những bé có nguy cơ trầm cảm, là trong cơ thể con bẩm sinh đã sẵn có cơ chế sinh hóa không cân bằng, chất dẫn truyền thần kinh không như số đông người bình thường, nên tâm lý nhạy cảm, và con khó chống chọi với áp lực. Trong riêng trường hợp này, tôi biết không phải chỉ tại điểm 3, hay tại môn tiếng Anh. Bố mẹ bé đã rất cố gắng, đã nghỉ việc ở nhà để quan tâm tới con, đã đưa bé đi bác sĩ, trò chuyện, giải tỏa... Nhưng vẫn không ngăn kịp cú đẩy cuối cùng khi bé đang đứng chênh vênh trên miệng vực”…
Sau khi vụ việc xảy ra, hiệu trưởng trường THCS đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm năm lớp 8 và năm lớp 9, giáo viên môn tiếng Anh của em H. tường trình về việc kiểm tra miệng đối với em H. cùng những diễn biến tâm lý của em trước khi mất. Đồng thời bạn bè của H. và đại diện nhà trường đã đến chia buồn cùng gia đình.
Thu Hằng (tổng hợp)