Trước đó, trong Hội thảo “Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên” có quy mô toàn quốc, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội đã đưa ra một thống kê cho rằng, đạo đức lối sống của học sinh hiện nay tại Hà Nội có hiện tượng học sinh thiếu lễ phép, thiếu tôn trọng, có những lời nói, hành vi nhạo báng thầy, cô giáo có chiều hướng tăng theo cấp học.
Theo ông Nguyễn Hiệp Thống – Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, nguyên nhân ở đây được mổ xẻ là do sự phối hợp giữa nhà trường – gia đình – xã hội trong việc quản lý học sinh còn thiếu chặt chẽ.
Những giờ ngoại khóa tìm hiểu về sức khỏe sinh sản cần được đẩy mạnh thường xuyên trong nhà trường phổ thông. Ảnh minh họa. |
Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng trên có thể do các sản phẩm văn hoá độc hại lưu truyền công khai ngoài xã hội, qua mạng internet không lành mạnh đã tác động vào lối sống của học sinh.
Trở lại với câu chuyện học trò yêu sớm, trao đổi với Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Quốc Bình – Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức cho biết, hiện tượng học sinh yêu sớm không phải bây giờ mới có, có lẽ có từ rất lâu trong đời sống xã hội và trong nhà trường. Tuy nhiên, chỉ có điều tình yêu tuổi học trò nhiều hơn, tự nhiên hơn, thoải mái hơn, lộ liễu hơn trước.
Về phía gia đình, hiện nay hiện tượng xã hội như cha mẹ ly hôn, các biểu hiện tình dục bên ngoài cũng có vẻ thoải mái, tự do tác động vào, cha mẹ cũng không quan tâm đầy đủ cho con cái do cơ chế thị trường, mải mê kiếm sống, phó mặc việc dạy dỗ này cho nhà trường, bản thân nhiều cha mẹ cũng chưa được trang bị đầy đủ những kiến thức giới tính, thả lỏng con cái.
Thầy Nguyễn Quốc Bình cũng nhận định, cùng với trào lưu yêu sớm của học trò thì trách nhiệm của người thầy trong trường chưa được học sinh đặt niềm tin của mình để tìm hiểu, tư vấn. Trách nhiệm của các thầy cô giảng dạy và chủ nhiệm với những hiện tượng này, coi đó là chuyện bình thường, ít quan tâm, ít trao đổi,tư vấn giúp các em, thường chỉ khi có vụ việc nào đó quá gây phản cảm thì người thầy mới quan tâm.
“Tình cảm con người thì nên tôn trọng, nhưng cái chính của vấn đề không phải chúng ta tìm cách để cấm, để phá, mà trong trường cũng nên có những giáo viên tâm lý, thầy cô cũng cần có trách nhiệm quan tâm tới tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của học sinh, quan tâm cả những quan hệ riêng của các em, từ đó dành thêm thời gian trao đổi với học sinh” hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức nêu quan điểm.
Đáng lo ngại nhất bây giờ theo thầy Bình là học sinh yêu từ cấp THCS, hiện tượng yêu không chỉ khác giới mà ngay cả cùng giới cũng có, làm cho môi trường học đường thêm phức tạp.
Việc cha mẹ mải mê kiếm tiền hàng ngày, không chú tâm đến việc giáo dục con cái, xem việc giáo dục các em là trách nhiệm của nhà trường gia đình thiếu sự giao tiếp đầm ấm, cởi mở, dẫn đến trẻ cảm thấy bị bỏ rơi, thiếu thốn tình cảm, các em sẽ tìm đến những mối quan hệ khác để bù đắp - đây chính là nguyên nhân để những nhóm trẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo vào những hành vi xấu.