“Học tiếng Anh ở lứa tuổi nào là tốt nhất?” câu hỏi khiến nhiều nhà giáo dục, nhiều phụ huynh học sinh phải đau đầu và câu trả lời cũng không thống nhất.
Đây là một trong những vấn đề được nêu ra tại Hội thảo khoa học “Tiếng Anh trong trường mầm non thực tiễn và giải pháp” đang diễn ra tại Hà Nội.
Theo thống kê sơ bộ, năm 2014-2015 trên cả nước có 12 tỉnh, thành phố tổ chức cho trẻ ở độ tuổi mầm non làm quen với tiếng Anh nhưng việc giảng dạy đối với học sinh có lứa tuổi này như thế nào thì đó vẫn còn là một vấn đề phải bàn cãi.
“Học tiếng Anh ở lứa tuổi nào là tốt nhất?” câu hỏi khiến nhiều nhà giáo dục, nhiều phụ huynh học sinh phải đau đầu và câu trả lời cũng không thống nhất.
Theo phát biểu của Thạc sĩ Nguyễn Minh Tuấn, khoa tiếng Anh của trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương cho biết: có tới 68.3% cán bộ quản lý và giáo viên cho rằng trẻ 3 tuổi học tiếng anh có thể đạt kết quả tốt nhất, 39% nghĩ rằng nên cho trẻ bắt đầu học tiếng Anh từ 4 tuổi, 36% cho là nên cho trẻ học tiếng Anh từ 5 tuổi.
Cũng theo ông Tuấn, điều quan trọng nhất đối với tiếng Anh là môi trường nhưng ngoài xã hội và trong gia đình Việt Nam đều không sử dụng nó, nên môi trường chủ yếu là cho trẻ học tập là trong lớp học. Môi trường phải hết sức đa dạng để cho học sinh có thể phát triển được nhưng trên thực tế thì lớp học cũng chưa được đảm bảo.
Chẳng hạn như các chương trình dạy tiếng Anh tại các trường mầm non cũng khá “phong phú”, không thống nhất. Có chương trình của các nhà xuất bản nước ngoài như Super Kid 1-2, Sunny with ABC... và có cả chương trình tự thiết kế, biên soạn như của Sở GD-ĐT Đà Nẵng. Hình thức tổ chức lớp học tiếng Anh dành cho trẻ đã được đa dạng hơn nhưng phần lớn vẫn còn thụ động, chủ yếu ngồi trong lớp.
Các giờ học chủ yếu vẫn ngồi thụ động trong lớp (Internet) |
Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên để đạt chuẩn về trình độ tiếng Anh và kỹ năng sư phạm còn thiếu trầm trọng. Thời gian của môn học chỉ có mấy chục tiết mỗi năm nhưng hầu hết các giờ học các thầy cô nói tiếng Việt và trẻ chủ yếu hiểu tiếng Anh thông qua ngôn ngữ mẹ đẻ nên việc phản xạ với ngôn ngữ nước ngoài sẽ bị hạn chế rất nhiều.
Đồng thời, giáo viên không đạt chuẩn nghĩa là thiếu kỹ năng sư phạm sẽ dẫn tới việc không khai thác tốt giáo trình, hay việc trình độ tiếng Anh hạn chế dễ dẫn tới việc dạy sai nền tảng cho các em.
Không những thế, kinh phí cũng tạo nên nhiều tranh cãi trong phụ huynh học sinh. Học phí dành cho lớp học cũng do nhà trường và phụ huynh thỏa thuận nên mức thu phí cũng không đồng đều nhau. Chẳng hạn như ở Hà Nội chương trình Eduplay thu mức phí là 450.000 đồng/tháng /học sinh, chương trình First Step and second Step là 150-200.000 đồng.tháng/học sinh. Còn ở Tp Hồ Chí Minh nhà trường thu phí theo tháng và mức phí cũng tùy thuộc vào trung tâm ngoại ngữ, có mức thấp nhất là 60.000 đồng và cao nhất là gần 500.000 đồng.
Nói về hệ quả chương trình học tiếng Anh của trương mầm non hiện nay nguyên Phó hiệu trưởng trường ĐH Hà Nội, thành viên Đề án giáo dục 2020, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết: “Những bất cập về giáo dục tiếng Anh trong trường mần non hiện nay sẽ làm hạn chế rất nhiều tới việc sự phát triển đồng đều của trẻ”.
Để chương trình dạy học trong trường mầm non đạt hiệu quả tốt theo Thạc sĩ Lê Thị Luận, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cần phải có một bộ khung chương trình chính thức phù hợp với trẻ em Việt Nam, việc tổ chức hình thức các lớp học phải đa dạng và phù hợp với lứa tuổi mầm non, tận dụng tốt các công nghệ, kỹ thuật vào dạy học và hướng tới chuẩn hóa việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.
Hạ Vân