Ngày 30 tết, có những nhóm học trò ở nông thôn vẫn còn bám trụ bên các quầy hoa, dưa hấu...
Nhóm học trò lớp 11 bán bông dọc tỉnh lộ 713 (qua địa bàn xã Đức Hạnh, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận) - Ảnh: Như Lịch
Tại thôn 4, xã Đức Hạnh (huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận), có một quầy bán bông nho nhỏ của nhóm học sinh lớp 11A7 Trường THPT Hùng Vương. Đồng quản lý quầy bông này gồm 1 nam sinh (Khắc Thành) và 6 nữ sinh (Ngọc, Như, Điệp, Hiếu, Ngân, Trúc).
Đại diện nhóm cho biết, mỗi thành viên hùn 200.000 đồng để mua hơn 100 chậu bông. Mở hàng từ chiều 25.1, mỗi ngày, nhóm chia nhau bán từ 6 giờ cho đến 12 giờ đêm, bất chấp trời lạnh căm căm. May mắn là cả nhóm không phải thuê mặt bằng, bởi gia đình của Hiếu cho mượn khoảnh sân trước nhà làm điểm buôn bán.
Nhóm học trò này bật mí, đến bây giờ các em đã cầm chắc trong tay số tiền lời gần 400.000 đồng. Nhưng cái lời lớn hơn, như nhiều thành viên khẳng định, đó là sự đoàn kết, gắn bó của cả nhóm và gặt hái kinh nghiệm về sự bươn chải ở “trường đời”, về tính tự lập…
Trong khi đó, tại một điểm thuê bên ngoài chợ Đức Tài (huyện Đức Linh), đôi bạn cùng lớp 12A20 Trường THPT Hùng Vương là Hoàng Lê Nam và Nguyễn Duy Tây tỉ mẩn ngồi khắc chữ, khắc hình lên trái dưa hấu để bán.
Nam cho hay, đây là năm thứ ba liên tiếp, hai em cùng phối hợp làm thêm trong dịp tết. Số tiền kiếm được (trên dưới 1 triệu đồng), Nam trích ra một ít đi du lịch với bạn bè, còn lại để dành đóng học phí.
Phía ngoài chợ Đức Tài, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận, Hoàng Lê Nam (học sinh lớp 12) đang khắc chữ lên trái dưa hấu - Ảnh: Như Lịch
“Khi đi làm như vậy, tụi em mới biết cha mẹ làm ra đồng tiền cực khổ như thế nào”, Nam bày tỏ.
Hỏi công việc này có giúp ích gì cho vấn đề chọn ngành nghề sắp tới, cậu học trò lớp 12 này nói chắc nịch: “Dạ có nhiều chứ! Ngay từ năm lớp 10, tụi em đã định hướng sau này đi theo ngành thiết kế nội thất”.
Ước tính có hơn 10 nhóm học trò thử tài buôn bán tại những chợ lớn của huyện Đức Linh. Trong đó, một vài nhóm đến sáng 30 tết vẫn còn nhiều hàng tồn đọng (nhất là hoa tươi), phải bán đổ bán tháo và chấp nhận lỗ.
Thế nhưng, dù lỗ hay lời, nụ cười học trò vẫn hồn nhiên mà tinh nghịch, làm vui lây xóm chợ.
Theo thanhnien.com.vn