Hôm nay (ngày 5/11), Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân đến Việt Nam bắt đầu chuyến thăm trong hai ngày 5-6/11/2015.
Theo VTV đưa tin, nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày hôm nay (5/11) đến ngày 6/11/2015.
Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước Trung Quốc trong 9 năm qua.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 4/2015. Ảnh: TTXVN |
Trên Dân trí dẫn thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, lễ đón chính thức ông Tập Cận Bình sẽ được tổ chức theo nghi thức cao nhất dành cho lãnh đạo cấp cao tại Phủ Chủ tịch vào chiều ngày 5/11. Sau đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có cuộc hội đàm và chứng kiến lễ ký kết một số văn kiện hợp tác giữa hai nước. Cùng ngày, ông Tập Cận Bình cũng hội kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Sáng ngày 6/11, ông Tập Cận Bình dự kiến gặp gỡ hữu nghị thanh niên Trung-Việt lần thứ 16 và nhân sỹ hai nước tại Khách sạn Sheraton, Hà Nội và sau đó đến đặt vòng hoa và vào viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong thời gian thăm Việt Nam, ông Tập Cận Bình cũng sẽ hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và có bài phát biểu tại Quốc hội Việt Nam.
Theo TTXVN, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc và trong tổng thể quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Với chuyến thăm này, Việt Nam tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; nhất quán coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ tốt đẹp, thực chất với Trung Quốc trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng cùng có lợi; duy trì hoạt động trao đổi đoàn cấp cao giữa hai Đảng, hai Nhà nước; bảo vệ lợi ích chính đáng của Việt Nam ở biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, kiểm soát tốt bất đồng, cùng duy trì xu thế hòa bình, ổn định trên biển Đông, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
H.Minh (tổng hợp)