Theo phản ánh của thân nhân liệt sĩ đang yên nghỉ tại nghĩa trang Vân Cốc (thuộc xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) về “Dự án cải tạo, nâng cấp Nghĩa trang Liệt sĩ Vân Cốc” do UBND huyện Phúc Thọ làm chủ đầu tư nhưng không thông báo cho gia đình các thân nhân liệt sĩ.
Quá trình thi công không đáp ứng được yêu cầu về mỹ quan cũng như tâm linh gây bức xúc cho người dân. PV đã vào cuộc để tìm hiểu phản ánh nêu trên.
“Mộ liệt sĩ bị đưa ra giữa đường”
Nghĩa trang liệt sĩ Vân Cốc là nơi quy tụ hàng trăm hài cốt liệt sĩ của ba xã Vân Nam, Vân Phúc, Vân Hà, huyện Phúc Thọ, Thành phố Hà Nội. Tháng 2/2014, Ban quản lý (BQL) dự án cải tạo, nâng cấp nghĩa trang liệt sỹ Vân Cốc (tổng mức vốn đầu tư hơn 8 tỷ đồng) đã tổ chức lễ động thổ dự án. Đến tháng 4/2014, đơn vị thi công đã tiến hành san ủi, đập phá toàn bộ phần mộ phía trên (giữ nguyên hiện trạng phần mộ dưới lòng đất – theo hồ sơ dự án). Tuy nhiên, việc dự án động thổ thì thân nhân liệt sĩ lại không hề hay biết.
Video:
Theo bà Đặng Thị Do (Cựu chiến binh phường Sơn Lộc, thị xã Sơn Tây) là con liệt sĩ: Đặng Văn Nguyên bức xúc: “UBND huyện Phúc Thọ đã cho đơn vị thi công là công ty cổ phần Hà Phát tự ý đập phá, san ủi toàn bộ số mộ chí trong nghĩa trang. Trước khi tiến hành thực hiện dự án, chính quyền không có một thông báo và cũng không có một cuộc họp bàn nào với nhân dân về thời gian, quy mô, phạm vi dự án để lấy ý kiến, thống nhất phương án tháo dỡ, di rời mộ chí, hài cốt của các liệt sĩ trong phạm vi cải tạo của nghĩa trang. Đến khi bị đập phá mộ chí, thân nhân của những liệt sĩ nằm trong nghĩa trang không hề hay biết. Thậm chí, chúng tôi không được thắp một nén hương hay làm bất kỳ lễ nghi gì theo truyền thống tâm linh cho các liệt sĩ. Khi xây dựng mới, hầu hết các mộ chí được xây dựng lên, đều sai lệch so với vị trí đặt hài cốt của liệt sỹ, có những ngôi mộ sai lệch gần 1m, nếu không có sự tình cờ phát hiện của người thân dịp 27/7/2014 thì hàng trăm hài cốt liệt sĩ sẽ có nguy cơ nằm dưới nền đường bê tông để mọi người qua lại”.
Nếu người dân không phát hiện thì "hàng trăm hài cốt liệt sĩ (phần khoanh vàng) sẽ có nguy cơ nằm dưới nền đường bê tông”.
Cùng chung bức xúc, ông Nguyễn Việt Chiến (trú tại Xuân Canh, Sơn Tây) cháu liệt sĩ Nguyễn Duy Bằng cho biết: “Dân ta rất coi trọng việc tâm linh, nhất là động chạm đến mồ mả. Chúng tôi là thân nhân liệt sĩ vậy mà chính quyền, chủ đầu tư không có một thông báo khi có dự án cũng như lúc động thổ, khởi công. Nếu không có ngày 27/7, khi chúng tôi đến thắp hương cho liệt sĩ và phát hiện việc mộ phần bị sai lệch thì có lẽ ông, cha chúng tôi sẽ vĩnh viễn nằm dưới chân mọi người mỗi lần đến viếng”.
Xử lý theo kiểu “chuyện đã rồi”
Sau khi nhận được phản ánh, ngày 5/8/2014, Ban Quản lý dự án tổ chức họp với lãnh đạo 3 xã có mộ liệt sĩ ở trong nghĩa trang (Vân Phúc, Vân Nam, Vân Hà) cùng các đơn vị thiết kế, thi công, giám sát để bàn biện pháp khắc phục sai sót.
Giải thích về việc tại sao phần mộ phía trên bị đặt lệch hẳn ra với phần mộ có chứa di cốt chôn dưới đất. Ông Hoàng Duy Kiên, Trưởng phòng quản lý đô thị - Trưởng BQL dự án cho biết: “Do trong thiết kế yêu cầu giữ nguyên phần mộ chứa di cốt dưới đất, chỉ cải tạo xây mới phần mộ phía trên. Hơn nữa, nghĩa trang Vân Cốc được xây dựng từ những năm 70, lúc đó chưa có thiết kế nên hàng lối của mộ không được thẳng. Vì vậy, để cho thằng hàng, đơn vị thi công đã nắn phần mộ phía trên cho hợp mỹ quan. Điều này dẫn đến việc sai lệch vị trí mộ đặt hài cốt dưới đất và mộ phần phía trên”.
Hàng lối mộ uốn lượn như hình rồng rắn.
Trong biên bản thống nhất phương án cải tạo mộ liệt sĩ ngày 5/8/2014, nêu rõ: “Nguyện vọng của thân nhân các liệt sĩ là trả phần nấm (phần) trên mộ về đúng với vị trí, không được lệch so với phần âm của mộ”. Tuy nhiên, trong biên bản này không thấy có đại diện phía người dân (thân nhân liệt sĩ) ký thống nhất vào biên bản.
Việc này được ông Đặng Văn Kiều, Chủ tịch UBND xã Vân Phúc giải thích: “Khi thi công đến hàng mộ nào thì chúng tôi gọi gia đình thân nhân liệt sĩ đó đến để thống nhất phương án cải tạo”.
Nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ bức xúc: “Cách làm của BQL và chính quyền giải quyết theo kiểu ‘chuyện đã rồi’. Họ xây sai lệch phần mộ, tất nhiên chúng tôi phải yêu cầu đặt lại đúng vị trí. Nếu để như vậy, hóa ra chúng tôi thờ ụ xi măng à?”.
Theo ghi nhận của PV ngày 22/11 tại hiện trường, toàn bộ vị trí mộ đã được đưa về đúng vị trí. Nhưng, thân nhân liệt sĩ vẫn chưa hết bức xúc bởi cách thức mà đơn vị thi công thực hiện.
Anh N.Đ.L (thân nhân liệt sĩ) bày tỏ: “Việc dịch chuyển các mộ được Cty Hà Phát cho công nhân dùng xà beng bậy các khung gạch xây sai trước đó rồi bê đè lên mộ âm dưới đất. Việc này không đảm bảo về quy chuẩn kỹ thuật, nó cho thấy việc thi công rất cẩu thả. Công trình có ý nghĩa rất lớn về mặt tâm linh nhưng với cách khắc phục như vậy thì khó có thể đảm bảo công trình kiên cố và tồn tại lâu dài”.
BQL dự án nhận sai, nhưng....
Trao đổi với PV, ông Hoàng Duy Kiên, Trưởng phòng quản lý đô thị - Trưởng BQL dự án, thừa nhận có sơ suất trong việc triển khai. Đó là chưa sâu sát trong việc kiểm tra, giám sát công trình. Trong khi, đơn vị thi công thì nhận khuyết điểm khi chưa kịp thời báo cáo với BQL dự án và UBND các xã về việc điều chỉnh vị trí một số phần mộ cho thẳng hàng. Nguyên nhân đơn vị thi công đưa ra là do đẩy nhanh tiến độ xây thô phần trên mộ để kịp phục vụ nhân dân đến thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ dịp 27/7.
Để khắc phục, nhà thầu thi công đã chỉnh sửa lại việc xây “mộ trên” theo đúng yêu cầu của thân nhân các liệt sĩ, bảo đảm không xây lệch với phần mộ dưới lòng đất.
Về việc không thông báo, lấy ý kiến người dân trong quá trình xây dựng dự án, thi công thì ông Kiên lại cho rằng, việc không thông báo cho thân nhân gia đình các liệt sỹ về việc động thổ cũng như khởi công dự án là do lỗi của UBND các xã. BQL dự án đã giao cho chính quyền địa phương.
Ngoài ra, khi được hỏi về việc hàng lối của những ngôi mộ hình “rồng rắn” thậm chí hình ziczac có đảm bảo yêu cầu mỹ quan hay không? Thì ông Kiên đổ cho việc đó là yêu cầu của thân nhân liệt sĩ. Trong khi, theo ghi nhận của PV, thì rất nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ sẵn sàng di dời mộ âm để đảm bảo hàng lối, cảnh quan tổng thể nghĩa trang được đẹp nếu như BQL dự án có thông báo từ trước khi khởi công.
Trở lại việc người dân không được thông báo về dự án, ông Đặng Văn Kiều, Chủ tịch UBND xã Vân Phúc cho biết, trước đây thành phần BQL dự án không có cán bộ xã nên chính quyền địa phương không thông báo cho người dân mới dẫn đến tình trạng như vậy. Sau khi xảy ra vụ việc thì chính quyền xã mới được cho vào thành phần BQL.
Ông Vũ Đức Thăng, Trưởng ban thanh tra nhân dân – Tổ trưởng tổ giám sát cộng đồng nói: BQL dự án đã không thực hiện đúng quy trình mới dẫn đến tình trạng như vậy. Đáng lẽ để “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”, thực hiện quy chế “dân chủ” ngay từ đâu thì đâu có gây bức xúc cho người dân.
Huyện đẩy xã, xã lại “chuyền” cho huyện. “Quả bóng” trách nhiệm lăn sang chân đơn vị thi công, đơn vị thi công đổ cho đơn vị thiết kế… Cuối cùng những hàng mộ cong hình “rồng rắn” bị đổ cho người dân, vì họ “không muốn di dời” phần âm.
“Công trình hơn 8 tỉ đồng nhưng không đáp ứng được yêu cầu mỹ quan. Vậy mục đích cải tạo, nâng cấp để làm gì?
Kiến nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể trong việc quản lý, triển khai dự án.
Đồng thời cần khẩn trương khắc phục và sửa chữa lại các sai phạm trong việc xây dựng để đảm bảo mỹ quan, kỹ thuật”, bà Do bày tỏ nguyện vọng.
Đức Thuận